Việt Nam còn bao nhiêu để xuất khẩu?
Đầu năm 2022, Fitch Solutions ước tính mức thiếu hụt gạo toàn cầu là 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022/2023, đây là mức thâm hụt gạo toàn cầu lớn nhất kể từ niên vụ 2003/2004. Các nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt này bao gồm: Xung đột địa chính trị giữa Nga-Ukraine; Thời tiết bất lợi cho việc trồng lúa trong năm 2023; Ấn Độ (nhà cung cấp gạo lớn thứ hai thế giới) quyết định cấm gạo xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9/2022, tiếp theo đó là việc dừng xuất khẩu của UAE.
Với vị thế là một “cường quốc” lương thực với sản lượng gạo xuất khẩu luôn đứng top đầu như Việt Nam, Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá gạo cao tăng cao và kéo dài.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 531 USD/tấn (+9% YoY), mức cao nhất trong 10 năm. Tính đến cuối tháng 8/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cao hơn đáng kể so với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, chạm mức cao nhất thế giới.
Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam lần lượt đạt 638 USD/tấn và 623 USD/tấn. Đây cũng là những mức giá cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử vào năm 2008 đến nay. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao đến quý 3/2023.
Theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023 nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,5-8 triệu tấn gạo. Trừ số gạo đã xuất khẩu 5,35 triệu tấn, Việt Nam còn khoảng 2,15 - 2,65 triệu tấn gạo các loại để xuất khẩu từ nay đến cuối năm.
Để tận dụng việc giá gạo thế giới tăng cao, Bộ đã đẩy mạnh việc gieo cấy vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, diện tích ước tính canh tác tăng 50.000 ha so với năm ngoái. Đồng nghĩa, nguồn cung gạo cho xuất khẩu sẽ tăng và có thể thu về thêm khoảng 100 triệu USD trong năm nay.
Ngành gạo đang loay hoay trong “nghịch lý”
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặc dù giá gạo thế giới đang tăng cao do những ảnh hưởng từ nguồn cung tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam chưa thật sự được hưởng lợi.
Theo hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng. Sở dĩ xảy ra trường hợp này là vì việc Ấn Độ, UAE dừng xuất khẩu gạo là những biến cố xảy ra bất ngờ. Việc giá gạo tăng do cú sốc cung trong thời gian ngắn khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không kịp chuẩn bị các kịch bản tích trữ hàng tồn để hưởng lợi.
Song song với đà tăng sốc của giá gạo, giá thu mua lúa tại thị trường nội địa cũng rất đắt đỏ. Giá các loại lúa đều tăng lên gần 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu thì tương đương giá 670-680 USD/tấn.
Hiện nay gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có giá 638 USD/tấn – mức rất cao so với ngưỡng người tiêu dùng thế giới có thể chấp nhận. Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao. Thực tế các nước là “bạn hàng” của Việt Nam gần như không thể chấp nhận mua với giá 670-680 USD/tấn.
Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu thì tương đương giá 670-680 USD/tấn. Điều này khiến các doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng. Bởi nếu Ký đơn mới sẽ phải giao hàng. Song, các nhà nhập khẩu chỉ chấp nhận mức giá 640 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng bán và phải mua lúa giá cao như hiện nay sẽ lỗ khoảng 30-40 USD/tấn.
Riêng đơn hàng cũ, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang đàm phán với nhà nhập khẩu nước ngoài để điều chỉnh giá tăng thêm, nhưng hầu hết không được chấp thuận. Thế nên, doanh nghiệp chỉ có thể giao hàng với giá đã ký trước đó hoặc huỷ hợp đồng. Tóm lại, việc giá gạo thế giới tăng cao trong thời gian qua vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng để biến thành lợi nhuận thực tế, ngược lại việc giá gạo tăng do sốc cung còn khiến áp lực thu hẹp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu giá gạo tiếp tục neo cao và duy trì đến quý 3, thậm chí là quý 4 năm nay thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thật sự hưởng lợi khi vụ Đông Xuân tại Việt Nam bước vào giai đoạn thu hoạch.
Lợi thế đặc biệt của LTG
Trong năm 2022, mảng gạo đã vượt mảng thuốc bảo vệ thực vật (CPC) để trở thành mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) đến 55% tổng doanh thu, tiếp theo là CPC (36%), bao bì (1%) và các mảng khác (2%). Duy trì đà tăng trưởng, 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu mảng gạo tiếp tục duy trì vị trí chủ lực của Lộc Trời khi đóng góp hơn 3.875 tỷ đồng trong tổng số hơn 5.889 tỷ đồng (66,9% doanh thu).
Khi thị trường gạo biến động do những cú sốc cung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo loay hoay trong việc ký đơn hàng mới do giá lúa nguyên liệu cũng tăng mạnh.
Hàng tồn kho ròng của LTG - Nguồn: Wichart |
Nhưng với Lộc Trời, việc chuẩn bị lượng lớn hàng tồn kho giúp cho doanh nghiệp này nhanh chóng chiếm được lợi thế để tận dụng giá gạo tăng cao. Cụ thể, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 thì lượng hàng tồn kho của Công ty đã tăng lên hơn 2.700 tỷ đồng, số đầu kỳ là khoảng hơn 2.100 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC bán niên 2023 của LTG |
Trong đó, giá trị hàng tồn kho là thành phẩm tăng gần gấp đôi so với đầu năm, từ hơn 841 tỷ đồng lên đến 1.623 tỷ đồng.
Ngoài việc có lợi thế lớn từ việc tích trữ hàng tồn kho từ đầu năm thì Lộc Trời còn chiếm một lợi thế đặc biệt khác so với các doanh nghiệp lương thực là lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Như đã đề cập, để tận dụng cơ hội từ giá gạo tăng cao, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo đẩy mạnh việc gieo cấy vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long thêm 50.000 ha trong vụ lúa Đông Xuân. Đây chính là cơ sở để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật của tăng trở lại và Lộc Trời sẽ chiếm lợi thế khi có những thương hiệu thuốc bảo vệ thực vật uy tín, lâu đời ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cơ cấu doanh thu của LTG - Nguồn: BCTC bán niên 2023 của LTG |
Theo báo cáo tài chính bán niên 2023 thì doanh thu của mảng CPC của Lộc Trời chiếm 26%. Mặc dù doanh thu mảng CPC giảm nhẹ so với cùng kỳ. Nhưng biên lợi nhuận trong lĩnh vực này lại rất lớn.
Cơ cấu giá vốn các lĩnh vực kinh doanh của Lộc Trời- Nguồn: BCTC bán niên 2023 |
Theo đó, lãi thuần trong lĩnh vực CPC lên đến 675 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tương đương biên lãi thuần gần 44%. Việc thúc đẩy, mở rộng diện tích canh tác lúa nước sẽ thúc đẩy mảng CPC của Lộc Trời tăng trưởng mạnh trong vụ lúa Đông Xuân niên vụ 2023/2024, điều này hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Công ty trong 6 tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Mảng CPC có thể được xem là thứ “vũ khí đặc biệt” trong tay Lộc Trời, khác biệt hoàn toàn so với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác hiện nay trên thị trường.