Ngành lúa gạo Việt Nam cần đầu tư nâng cao chất lượng, tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng sản lượng, giảm phát thải... |
Nguồn cung gạo toàn cầu bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi cho sản xuất và lệnh cấm xuất khẩu của một số quốc gia (Ấn Độ, Nga, UAE),...là lý do khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn dư địa tăng trong thời gian tới.
Thời cơ cho gạo Việt
Việt Nam, một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn đang có cơ hội tận dụng được thời điểm giá tăng để thúc đẫy xuất khẩu, bên cạnh đảm bảo sản xuất, đảm bảo dự trữ quốc gia, đáp ứng an ninh lương thực cho thị trường trong nước.
Tại thị trường nội địa, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm có hiệu lực).
Quy mô sản xuất lúa gạo của nước ta năm 2023 ở mức 43 triệu tấn thóc, trong đó 29,5 triệu tấn lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...), phần còn lại, tương đương khoảng 13,5 triệu tấn thóc (7,5-8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã nâng chỉ số giá gạo trong tháng 7/2023 lên mức 129,7 điểm, tăng 2,8%. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là giá gạo Thái Lan, giá gạo đã tăng lên cao nhất trong vòng 12 năm qua, do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và các điều kiện thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất tại các quốc gia cung ứng hàng đầu.
Tại thị trường gạo châu Á, dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến ngày 10/08, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng so với tuần trước đó.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu tăng 20 USD/tấn lên 638 USD/tấn; gạo Thái Lan 5% tấm tăng 10 USD/tấn lên 651 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của nước ta cũng đã tăng 20 USD/tấn lên 618 USD/tấn, nối dài khoảng cách lên tới 31 USD/tấn so với giá gạo cùng loại của Thái Lan.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trong những ngày gần đây và dự báo còn tăng tiếp dip cuối năm. |
Như vậy, trong 1 tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của nước ta có sức tăng mạnh nhất so với các đối thủ cùng khu vực.
Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp vẫn có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu cả về lượng lẫn giá.
Cơ sở của nhận định này, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, sản lượng gạo thế giới năm 2023/2024 dự báo đạt 520,8 triệu tấn, tăng 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu năm 2023/2024 dự kiết đạt mức kỷ lục 523,9 triệu tấn, cao hơn 2,5 triệu tấn so với năm 2022, vượt sản lượng gạo dự kiến 3,1 triệu tấn. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn, tăng hơn 1% so với năm trước.
Cầu lúa gạo toàn cầu tăng, nhưng lượng gạo tồn kho năm 2023/2024 được USDA dự báo đạt 170,4 triệu tấn, thấp hơn 1,8% so với năm trước và là mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/2018 do nhiều quốc gia tăng xuất khẩu đặc biệt tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…
Ngay khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, các quốc gia như Indonesia, Philippines..., vốn phụ thuộc đáng kể vào nguồn gạo nhập khẩu cho biết sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn cung gạo từ Việt Nam để bổ sung cho nguồn hàng dự trữ trong nước.
Từ những yếu tố trên, ông Trần Duy Đông, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có những định hướng điều hành xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2023.
Đầu tư nâng chất lượng gạo
7 tháng đầu năm 2023, ngành gạo đã xuất khẩu sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Đáng mừng là cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.
7 tháng qua, chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 358,5 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 324.000 tấn).
Lúc này, gạo Việt đang có lợi thế xuất khẩu để tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu do hiệu ứng nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn bị hạn chế, nhưng lợi thế này sẽ không kéo dài. Một khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn/năm thu hồi lệnh cấm xuất khẩu, giá gạo chắc chắn sẽ không thể duy trì ngưỡng cao.
Do đó, một mặt tận dụng thời cơ ngắn hạn để tăng xuất khẩu, chốt giá bán cao, ngành lúa gạo cần kiên định thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng, giảm tiêu hao vật tư đầu vào, giảm phát thải để hướng tới mục tiêu net Zero trong ngành nông nghiệp.