Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hôm 31/8 đạt 643 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan. |
Giá gạo tại các nước xuất khẩu, gồm Thái Lan và Việt Nam đã tăng liên tiếp từ 20/7 khi Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, và tiếp tục lập kỷ lục mới trong những ngày cuối tháng 8 đến nay, khi Ấn Độ lại áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ từ ngày 26/8.
Giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại, lên gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cụ thể, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan ngày 31/8 hiện ở mức 633 USD/tấn; gạo 25% tấm của Thái Lan ở mức 565 USD/tấn.
Tại thị trường Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch hôm 31/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7. Còn so với ngày 1/1/2023 hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%.
Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1/2023) vọt lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).
So với các nước xuất khẩu gạo top đầu, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm giữ vị trí số 1 thế giới. Trong đó, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan lần lượt là 10 USD/tấn và 63 USD/tấn.
Với lượng gạo xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Ở một số thời điểm, Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, gạo liên tục lập kỷ lục về xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng 2023, xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, tăng lần lượt 23% và 37,3%. Riêng tháng 8, xuất khẩu gạo mang về gần 600 triệu USD.
Với đà này, chỉ trong nửa tháng nữa, xuất khẩu gạo sẽ bằng hoặc vượt cả năm ngoái. Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất 10 năm, đạt giá trị 3,45 tỷ USD.
Trước tình hình căng thẳng về nguồn cung gạo toàn cầu, mơi đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về việc quy định giá sàn xuất khẩu gạo.
VFA cho biết từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu, quá trình kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp gặp khó khăn do giá cả tăng quá nhanh. Điều này khiến chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị đứt gãy.
Nguyên nhân là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
VFA yêu cầu các doanh nghiệp hội viên cố gắng bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký nhằm giữ thị trường và đàm phán giãn tiến độ giao hàng để giảm thiệt hại. Đối với hợp đồng mới phải bảo đảm có chân hàng trước khi ký, trường hợp chưa có hợp đồng nên hạn chế số lượng mua vào tránh biến động giá trong nước.
Đối với tình hình sản xuất và thương mại gạo sắp tới, VFA dự báo sẽ có nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu.
Trước tình tình đó, VFA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, bảo đảm nguồn hàng tồn kho dự trữ lưu thông.
VFA cũng kiến nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP và các thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP.