Mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào thời tiết, phản ứng chính sách của các quốc gia xuất khẩu lớn. |
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tuần qua tiếp tục giảm so với các mức cao gần đây, trong khi việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đồ đã khiến khiến hoạt động giao dịch chững lại khi người mua trì hoãn để đợi giá rẻ hơn.
Tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 610-620 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức 620-630 USD/tấn của tuần trước. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo ở mức 605 USD/tấn, giảm từ mức 613-615 USD/tấn hồi tuần trước.
Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine của Việt Nam ghi nhận ở mức 710 USD/tấn.
Mặc dù giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại so với một số thời điểm cao điểm, nhưng trên bình diện chung, từ nay đến hết năm 2023, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 921.443 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trung bình xuất khẩu gạo 8 tháng qua tăng tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 triệu USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá gạo hiện đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.
Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu sẽ còn phụ thuộc vào thời tiết, phản ứng chính sách của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… trong thời gian tới.
Với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Báo cáo Triển vọng gạo tháng 8/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đánh giá, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/24 dự báo ở mức cao kỷ lục 520,9 triệu tấn, tăng 173.000 tấn so với dự báo trong tháng trước.
Một số doanh nghiệp cho biết đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho quý IV, kèm theo đó giữa tháng 9/2023, Indonesia đã mua thêm 50.000 tấn gạo từ doanh nghiệp Việt Nam qua đấu thầu, nhiều nước cũng tăng tìm kiếm nguồn nhập khẩu gạo từ Việt Nam để bù vào nguồn thiếu hụt do Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo.
Thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều thuận lợi, nhưng trước việc giá lúa tăng liên tục trong thời gian qua cũng khiến doanh nghiệp thu mua phục vụ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn
Hiện, tồn kho lúa hiện không còn nhiều, trong khi giá thu mua lúa trong nước lại biến động liên tục. Việc ký kết hợp đồng mới cũng được doanh nghiệp hết sức cân nhắc.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, gạo Việt Nam đang xuất khẩu với giá cao nhất thế giới, khoảng 630-640 USD/tấn thì là phù hợp, nhưng với giá lúa ngoài thị trường lên tới 8.000 đồng/kg là bất hợp lý, ngoài ra cần xem lại mức giá 7-8.000 đồng/kg đó có đến được tay người nông dân hay không.