Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ phân đạm ure trong nước dự kiến sẽ tăng nhanh vào cuối tháng 11, nửa đầu tháng 12 tới đây khi Đồng bằng Sông Cửu Long bước vào cao điểm vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, giá bán phân bón lại được dự báo ổn định ở mức bình quân các năm trước nhờ nguồn cung dồi dào.
Theo quy luật thị trường phân bón nhiều năm, nhu cầu phân bón, nhất là phân ure sẽ tăng nhanh khi sản xuất nông nghiệp bước vào cao điểm vụ Đông Xuân. |
Theo Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, tại thời điểm hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ure trong nước đã tăng hơn tháng 9 nhưng vẫn chưa cao. Khảo sát thực tế tại các thị trường trong nước cho thấy, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện diện tích gieo sạ vụ Đông Xuân vẫn ở mức thấp, như Sóc Trăng, Long An mới đạt 21-26% kế hoạch, đa số các tỉnh còn lại mới sạ được dưới 10% kế hoạch hoặc sang tháng 11 mới bắt đầu sạ như Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang…
Tương tự như vậy, nhu cầu phân bón tại miền Bắc, tăng nhẹ trong 2 tuần cuối tháng 10 nhưng vẫn chưa cao.
Thông tin từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cũng cho thấy, 9 tháng của năm 2023, tiêu thụ phân bón Phú Mỹ đạt trên 980.000 tấn, tăng hơn 100.000 tấn - tương đương tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phân ure Phú Mỹ tiêu thụ trên 690.000 tấn, cao hơn 50.000 tấn so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên theo quy luật thị trường phân bón nhiều năm, nhu cầu phân bón, nhất là phân ure sẽ tăng nhanh khi sản xuất nông nghiệp bước vào cao điểm vụ Đông Xuân.
Để chuẩn bị đủ nguồn cung phân bón, đáp ứng nhu cầu cho cao điểm vụ Đông Xuân sắp tới, các doanh nghiệp phân bón đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chạy máy an toàn, ổn định.
Tổng hợp sản xuất từ 4 doanh nghiệp sản xuất phân ure cho thấy, sản lượng sản xuất ure trong nước tháng 10 đạt 195.000 tấn, tương đương mức sản xuất của tháng 9. Trong khi đó, tổng lượng nhập khẩu phân ure tháng 10 ước đạt 46.000 tấn, cũng chỉ tăng 1.000 tấn so với mức nhập khẩu của tháng 9.
Ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho biết, hiện Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu urê, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen và xung đột Israel-Palestine vẫn diễn biến phức tạp nên giá phân ure có thể biến động.
Trên thị trường quốc tế, so với mức đáy được thiết lập hồi tháng 6/2023, giá phân ure xuất khẩu hiện nay tại Ai Cập và Trung Đông đã tăng 46%; trong khi đó, giá phân ure tại khu vực Biển Đen đã tăng 31%.
Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng nhận định, với nguồn cung ure ổn định từ 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu phân ure cho sản xuất nông nghiệp cao điểm vụ Đông Xuân sẽ được đáp ứng hoàn toàn và giá phân bón có thể biến động theo giá thế giới nhưng trong tầm kiểm soát.
Tương tự như vậy, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) trong 9 tháng qua đạt 610 tỷ đồng, giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2022.
Mức lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón lớn như PVFCCo hay PVCFC về “quỹ đạo” cũng được cho là tín hiệu tốt và có sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó giúp hỗ trợ nông nghiệp phát triển. Theo đó, nông dân tiết kiệm được chi phí vật tư phân bón, nâng cao hiệu quả sản xuất trong bối cảnh giá lúa gạo tăng; còn doanh nghiệp vẫn duy trì dược mức lợi nhuận hợp lý như các năm trước đại dịch trong bối cảnh kinh tế vẫn nhiều khó khăn.
Hiện cả 4 doanh nghiệp nhà nước sản xuất phân đạm ure chủ lực của Việt Nam như PVFCCo hay PVCFC, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc đều đang triệt để áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua chuyển đổi số, linh hoạt chính sách bán hàng và phân phối để đảm bảo giá bán phân bón đến với nông dân tốt nhất, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu và giúp tối đa lợi nhuận cho doanh nghiệp.