Những ngày rét đậm, rét hại, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và người có tiền sử bệnh tim mạch.
Theo TS. Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện 108), thời tiết lạnh làm tăng tiết các catechlamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.
Mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% biến chứng tim mạch. Tuy nhiên, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị.
Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt, huyết áp tăng lên. Ngoài ra, mức huyết áp có thể tăng vọt đột ngột khi ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm. Nếu huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp, lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200 mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch mãu não và tử vong. Đặc biệt, những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có nguy cơ huyết áp kịch phát.
Một trong những căn bệnh xuất phát từ sự chủ quan của người dân trong thời tiết lạnh là liệt dây thần kinh số 7. Bác sỹ Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) thông tin, vào đợt lạnh này, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, gồm cả người già và người trẻ.
Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng méo mặt, méo miệng, không khép kín được mí mắt. Có trường hợp bệnh nhân đi tập thể dục buổi sáng nhưng không mặc đủ ấm, hoặc mở cửa đột ngột sau khi thức giấc… khiến liệt dây thần kinh số 7.
Bác sỹ Hà Vân Anh, phụ trách Khoa khám bệnh (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho hay, trong thời điểm rét đậm hiện nay, số bệnh nhân nặng phải nhập viện tăng lên rõ rệt. Bình thường mỗi ngày, khoa tiếp nhận 8-10 bệnh nhân, nhưng gần đây con số này tăng gấp đôi.
Bệnh nhân nhập viện do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu liên quan đến huyết áp dao động quá nhiều, đợt cấp của suy tim hoặc viêm phổi, đau xương khớp, đau thần kinh tọa, cột sống… Điểm khác biệt là trong đợt lạnh này, số bệnh nhân có vấn đề về tim mạch tăng hơn, trong khi năm trước thì thường gặp bệnh lý hô hấp, viêm phổi.
Trong một tuần qua, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng khoảng 40% so với thời điểm trước, chủ yếu các bệnh lý về hô hấp, đột quỵ và tim mạch... Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân khi mới nhập viện chưa nặng, nhưng sau đó trở nặng rất nhanh. Nền bệnh nặng cộng thêm thời tiết lạnh sâu khiến khả năng chống đỡ của cơ thể kém hơn. Sức đề kháng, khả năng mất bù và thích ứng với môi trường của người già cũng kém hơn…, dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn nhiều.
Còn với trẻ nhỏ, theo PGS-TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, những trường hợp nhập viện đều trong tình trạng nặng. Các trường hợp khám cấp cứu chủ yếu bị nhiễm cúm, virus RSV hoặc viêm phổi. Với trẻ nhập viện ban ngày, bệnh viện cố gắng sắp xếp giường riêng, không để nằm ghép.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho người dân. Theo đó, để phòng chống rét, đối với người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng; khi ra ngoài phải có đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dày để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang; luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh…
Mọi người cần tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.
Không nên tắm khuya sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng; sử dụng nước ấm để tắm. Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ hàng ngày; thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh cúm; ăn uống đủ chất, bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét (trong bữa ăn cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản là tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
Đối với người làm việc nặng nhọc, người cao tuổi, trẻ em, cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác để tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh. Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sỹ...