Theo số liệu được cung cấp bởi Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao), giá bán trung bình/kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi (bước 1 đến bước 4) với tất cả các nhãn hàng sữa của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, nếu giá bán trung bình 1 kg sản phẩm sữa bột trẻ em ở Việt Nam là 16 USD, thì ở Thái Lan chỉ là 14 USD, Philippines: 12,9 USD, Malaysia: 10,9 USD và Indonesia chỉ 9,5 USD.
Giá sữa trong nước thường xuyên diễn biến theo chiều ngược với thị trường thế giới. Ảnh: Đức Thanh |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có 708 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện đăng ký, kê khai giá tối đa tại cơ quan nhà nước. Người đứng đầu Cục Quản lý giá cũng thừa nhận, dù đã giảm so với thời điểm trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn cách đây gần 1 năm, nhưng thực tế, giá bán sữa bột trong nước vẫn đang cao hơn phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thực tế quản lý gần 1 năm qua cho thấy, không ít doanh nghiệp sản xuất, phân phối cung cấp chứng từ tờ khai thông quan hải quan với mức giá không đổi so với trước. Điều này đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Sau một năm thực hiện áp giá trần, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi dù đã giảm 0,1-34% so với thời điểm trước đó, nhưng ngay cả khi đã thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính cũng phải thừa nhận rằng, giá bán sữa bột trong nước vẫn đang cao hơn phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chi phí quảng cáo chiếm 20 - 30% giá thành sản phẩm sữa, thậm chí cao hơn đã làm giá sữa tăng 2,18 - 16,39%.
Nhiều năm qua, giá sữa trong nước thường xuyên diễn biến theo chiều ngược với thị trường thế giới. Các nhà sản xuất và cung ứng không có sự cạnh tranh giảm giá nào. Kể cả khi giá nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm sâu, thì giá sữa trong nước vẫn... bất động.
Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) chỉ ra rằng, giá một số loại sữa nguyên liệu như sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem… có xu hướng giảm bình quân khoảng 5,8% trong năm 2015. Trong khi đó, đợt giảm giá sữa gần đây nhất bắt đầu từ ngày 20/4/2015 được một số nhãn sữa thực hiện tại Việt Nam chỉ với mức giảm 0,4-4%.
Đáng nói là, bên cạnh giá bán cao, sự “nhảy múa” về giá cũng diễn biến khá thường xuyên và mọi thua thiệt đều đổ hết lên đầu người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp còn thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới, nhằm lách luật đối với cơ quan quản lý. Sau thời điểm thực hiện áp giá trần từ tháng 6/2014 không lâu, thị trường sữa đã chứng kiến sự chuyển đổi nhanh của không ít hãng sữa nhằm né việc phải hạ giá sản phẩm.
Chẳng hạn, sữa Pediasure của Abbott loại hộp 900 gr được thay bằng loại hộp mới có trọng lượng chỉ còn 850 gr. Lý giải của hãng này là thay đổi trọng lượng để thống nhất khối lượng toàn cầu (tất cả đều là 850 gr).
Giá bán lẻ trên thị trường của loại sữa Pediasure hộp 850 gr là 560.000 - 590.000 đồng/hộp, tùy từng đại lý. So với giá đối với hộp Pediasure 900 gr cũ, thì giá giảm không đáng kể, khoảng 10.000 đồng, thậm chí có đại lý vẫn bán với giá cũ.
Như vậy, sau gần 1 năm bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thị trường sữa trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và có những dấu hiệu bất thường. Điều này cũng cho thấy công cuộc bình ổn giá sữa còn rất gian nan.
Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đã ra quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày 1/6/2015 đến 31/12/2016. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cơ quan quản lý cần phải thay đổi cách thức giám sát, quản lý giá tận gốc, để hạn chế việc các doanh nghiệp bán giá cao, đẩy gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng.