Tiêu dùng
Gia tăng nhập khẩu đường lỏng vào Việt Nam
Thế Hoàng - 28/08/2023 15:55
Hiện tượng gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô - HFCS (mã HS 17026020) vào thị trường Việt Nam đã tác động tiêu cực đến ngành mía đường nội địa vốn đang gặp nhiều khó khăn từ nhiều phía.
Đường lỏng siro ngô nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong những năm gầy đây.

Đường lỏng sirô ngô HFCS (mã HS 17026020), chất tạo ngọt chính trong nước giải khát đang được các doanh nghiệp tăng nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian gần đây.

Trong báo cáo về tình hình sản xuất tháng 7/2023, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự báo nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến khoảng 2,3 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ, trong khi nguồn cung dự kiến khoảng hơn 2,7 triệu tấn. 

Nguồn cung đường dồi dào được VSSA lý giải, bao gồm đường nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và nhập lậu qua biên giới Tây Nam cùng với đường lỏng sirô ngô nhập khẩu và lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2022-2023. Trong khi sức cầu đường chưa có dấu hiệu tăng, nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung, thu hẹp đầu ra của đường sản xuất từ mía.

Dựa trên dự báo cung – cầu của VSSA, ngành đường Việt Nam có thể dư cung 417.321 tấn đường cho năm 2023.

Tại báo cáo này, VSSA đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô - HFCS vào thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đường lỏng sirô ngô  nhập khẩu đang có xu hướng tăng dần qua các năm, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng đường lỏng nhập khẩu đã nhiều hơn lượng nhập khẩu của cả năm 2021.

Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu đường lỏng với 164.179 tấn, năm 2021 giảm xuống còn 102.372 tấn. Tuy nhiên, năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 184.975 tấn đường lỏng và chỉ 6 tháng đầu năm 2023 đã nhập 123.609 tấn.

Hầu hết đường lỏng nhập khẩu vào Việt Nam là loại HFCS-55, đây là loại đường lỏng chứa 55% fructose và 45% glucose có độ ngọt cao hơn đường 25%.

Việc đường lỏng sirô ngô “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam đã dẫn đến hệ quả là thu hẹp thị phần đường trong ngành nước giải khát vụ 2022-2023 đến mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Với mức độ nhập khẩu này, VSSA ước tính lượng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô cả năm là 247.200 tấn, tương đương 309.000 tấn đường.

Từ lâu, các quốc gia sản xuất mía đường trong khối ASEAN đã nhận diện tác động tiêu cực của nhập khẩu mặt hàng đường lỏng sirô ngô không chỉ đối với ngành sản xuất trong nước mà cả đến sức khỏe cộng đồng, các nước đã triển khai các biện pháp để hạn chế việc nhập khẩu mặt hàng này, trong đó có Philippines và Indonesia.

Trước đó, từ đề nghị của ngành sản xuất trong nước, giữa năm 2020, Bộ Công thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS), có mã HS 1702.60.10 và 1702.60.20, xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Từ Hồ sơ yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước, ngành sản xuất đường tinh luyện trong nước đã cáo buộc các sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất đường tinh luyện của Việt Nam.

Số liệu được cung cấp tại thời điểm này, lượng nhập khẩu HFCS đã tăng liên tục, từ 82.000 tấn năm 2017 lên 150.000 tấn năm 2018 và tăng lên 190.0000 tấn năm 2019.

Trải qua hơn 15 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến các bên liên quan, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của sản phẩm HFCS nhập khẩu với ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đang được bán phá giá tại thị trường Việt Nam và có thiệt hại đáng kể đến ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá của hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước chưa được thể hiện rõ ràng.

Do vậy, căn cứ quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bên liên quan (bao gồm đại diện ngành sản xuất trong nước), Bộ Công thương quyết định chấm dứt điều tra vụ việc.

Tin liên quan
Tin khác