Nhập khẩu than có chiều hướng tăng mạnh là bởi trên thị trường thế giới, giá than đang giảm nhanh. |
Than nội đều đều
6 tháng đầu năm, sản lượng than khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 21,85 triệu tấn, bằng 54 % kế hoạch năm, tăng 1,42 triệu tấn so với cùng kỳ. Sản lượng than tiêu thụ đạt 22,82 triệu tấn, bằng 54 % kế hoạch và tăng 4 % so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng than bán cho ngành điện là 18,47 triệu tấn, đạt 55 % kế hoạch, tăng 16 % so với cùng kỳ, tương ứng tăng 2,5 triệu tấn.
Cũng trong 6 tháng qua, TKV đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 2,8 triệu tấn than pha trộn giữa than sản xuất trong nước và than nhập khẩu, đạt 58% kế hoạch.
Nhằm đảm bảo cung cấp than cao nhất cho các hộ điện trong giai đoạn các nhà máy nhiệt điện huy động phát điện tối đa mùa nắng nóng hiện nay, TKV đã chỉ đạo các đơn vị nỗ lực cung cấp than cho các hộ điện ở mức cao nhất.
Để đảm bảo cấp than cho điện, TKV làm việc cụ thể với EVN và làm việc trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện để thống nhất việc tăng sử dụng than pha trộn, đưa ra các giải pháp tăng cường cấp than cho các Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 và 2, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng 1... theo năng lực hiện có.
Ngoài ra, TKV cũng phối hợp với các đơn vị vận tải, các cảng để tăng năng lực thông qua các cảng và nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu than nói riêng và công tác tiêu thụ than nói chung.
Được biết, hiện nay, tất cả hợp đồng TKV cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đều luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nhập khẩu than tăng rất mạnh
Dữ liệu thống kê hải quan mới công bố cho thấy, nhập khẩu than đang tiếp tục tăng rất mạnh trong năm 2019, với mức tăng trưởng xấp xỉ 100%.
Trước đó, trong năm 2018, cả nước mới nhập khẩu 22,85 triệu tấn than các loại với trị giá 2,55 tỷ USD.
Còn trong nửa đầu năm 2019, đã có 20,6 triệu tấn than các loại được nhập khẩu với trị giá 1,99 tỷ USD. Tính riêng trong tháng 6/2019, đã có gần 4 triệu tấn than được nhập khẩu.
Nhập khẩu than có chiều hướng tăng mạnh là bởi trên thị trường thế giới, giá than đang giảm nhanh.
Theo Business Insider, giá than cao nhất lịch sử đạt mức 139 USD/tấn vào tháng 1/2011. Còn trong năm 2018, giá than cao nhất đạt 78,5 USD/tấn hồi tháng 10 và tháng 11, nhưng bước sang năm 2019 đã giảm xuống 75,4 USD/tấn vào ngày 2/1/2019 và đang tiếp tục đà giảm. Giá than ngày 17/7/2019 chỉ còn chưa đến 54 USD/tấn.
Trong khi đó, theo điều chỉnh từ cuối năm 2018, giá than sản xuất trong nước được TKV bán cho điện đã tăng thêm 2,3 - 5,8%. Cụ thể, than cám 4b bán cho điện tăng từ 1,825 triệu đồng/tấn lên 1,92 triệu đồng/tấn ở chủng loại cao nhất; than cám 5b dao động 1,73 - 1,78 triệu đồng/tấn; than cám 6a dao động 1,34 - 1,45 triệu đồng/tấn và than cám 6b có giá 1,14 - 1,31 triệu đồng/tấn.
Đáng nói là, trong khi nhập khẩu than đang gia tăng mạnh hiện nay, thì con số than nhập mà TKV đã thực hiện trong nửa đầu năm 2019 lại khá khiêm tốn, chỉ 1,2 triệu tấn than.
Dĩ nhiên, so với giá than sản xuất trong nước đang ở mức cao, thì nhập khẩu gia tăng mạnh là điều dễ hiểu.
Các thị trường nhập khẩu than chính của Việt Nam
Indonesia, Nga và Australia là những thị trường nhập khẩu than chủ yếu của Việt Nam trong thời gian qua.
Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia lên tới 11,16 triệu tấn than với trị giá 788,9 triệu USD. Nga đóng góp 2,8 triệu tấn với trị giá 291 triệu USD và Australia với 6,1 triệu tấn có trị giá 850 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2019, Indonesia vẫn tiếp tục đứng đầu về xuất khẩu than vào Việt Nam với 7,3 triệu tấn có trị giá 461 triệu USD. Tiếp đó là Australia với 7,07 triệu tấn, có trị giá 796,4 triệu USD và Nga với 3,67 triệu tấn, trị giá 325 triệu USD.