Giá tăng từng ngày
Vì khan hiếm và bị đẩy giá nên nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để mua được bộ test nhanh dù không biết được đó là hàng trôi nổi, hàng xách tay hay hàng được cấp phép.
Bộ kit test Covid-19 nhập lậu tại sân bay Nội Bài. |
Có con trở thành F0 sau vài buổi đi học, chị Nguyễn Thị Hoa ở Dương Nội, Hà Đông cuống cuồng đi tìm mua test nhanh về để test và thực sự hoa mắt, chóng mặt với việc giá tăng quá cao và vô số chủng loại, nhãn hiệu khác nhau
Nhóm chợ cư dân Xuân Mai mà chị là thành viên rao bán test nhanh nhập khẩu từ Hàn Quốc với giá từ 80.000 - 90.000 đồng. Các phẩm nhập Pháp, Mỹ thì được chào bán với giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kit. Tuy nhiên, từ ngày 22/2, giá các loại test đã bắt đầu tăng giá mỗi loại khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kit.
Không chỉ rao bán các loại test nhanh qua đường mũi (tỵ hầu) mà nhiều người còn rao bán test nhanh xét nghiệm qua đường miệng, nước bọt nhằm đánh vào tâm lý ngại chọc, ngoáy mũi của một số người. Dù loại test này ít đa dạng hơn nhưng cũng không kém “mê hồn trận”, giá nhỉnh hơn loại test mũi, dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kit.
Một nhân viên làm việc tại hiệu thuốc khu vực Hà Đông cũng thừa nhận tình trạng này. Giá của các loại kit xét nghiệm tăng lên từng ngày. Ngày 22/2 giá của một hộp kit Biocredit Covid-19 Ag là 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, hôm nay, mức giá đã là 1,5 triệu đồng. Hay giá của sản phẩm test nhanh Standard Q thời điểm trước có giá hơn 1.500.000 đồng thì giờ đã tăng lên ở mức 1.800 triệu đồng/hộp 25 que.
Cùng với đó các loại máy SPO2 giá cũng tăng chóng mặt. Theo đó, loại máy Sika của Đức những ngày trước chỉ có giá từ 350 - 400.000 đồng nhưng hai ngày nay tại các hiệu thuốc sản phẩm được bán ở mức 480.000 - 500.000 đồng.
Một số loại máy của Trung Quốc được rao bán ở mức từ 200.000-300.000 đồng song theo lời người bán sản phẩm không có bảo hành, mua về máy không chạy hay có vấn đề gì người dùng phải tự chịu.
Thực tế cho thấy, một số loại kit test nhanh nhập khẩu đang bị đẩy giá, đáng chú ý, trong đó người dân không phân biệt được đâu là test bảo đảm đúng tiêu chuẩn hay là hàng xách tay trôi nổi. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo chuyên gia, test nhanh có 2 loại là xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Hiện nay, chúng ta đang dùng loại test nhanh kháng nguyên để xét nghiệm Covid-19, xác định sự có mặt kháng nguyên vỏ của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, các loại test nhanh được bày bán trên thị trường, người dân khó phân biệt được giữa kháng nguyên và kháng thể. Mặt khác, các test có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau.
Người dân cũng khó biết được kit test nào có độ nhạy, độ đặc hiệu bao nhiêu và loại nào đã được Các cơ quan y tế uy tín kiểm định và cho phép lưu hành. Người dân chỉ nên sử dụng các loại kit test đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Do vậy, khi mua ở hiệu thuốc, người dân cần hỏi hiệu thuốc loại kit test này được cấp phép tại quyết định nào của Bộ Y tế.
Quản lý thế nào?
Còn nhớ thời điểm năm 2020 khi dịch bệnh xâm nhập Việt Nam giá của khẩu trang y tế bị đẩy lên nhiều lần. Người dân do tâm lý lo sợ nên đổ xô đi mua khẩu trang với giá dao động từ 200-250.000 đồng/hộp. Trong khi đó, thông thường sản phẩm này có giá là 35-40.000 đồng/hộp.
Và đầu năm 2021, khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp khiến nhu cầu test xét nghiệm tăng cao trong khi nguồn cung các loại test xét nghiệm Covid-19 rất hạn chế, giá các loại test xét nghiệm đều ở mức cao. Giá test nhanh các nhà tài trợ mua khoảng 200.000 đồng/test, test Real-time PCR khoảng 500.000 đồng/test - 1 triệu đồng/test.
Bộ Y tế khi ấy đã hướng dẫn áp dụng mức giá quy định tại Thông tư số 13 và 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế (Áp dụng theo dịch vụ "xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng"): Xét nghiệm Real-time PCR: 734.000 đồng/1 mẫu; test nhanh 238.000 đồng/1 mẫu.
Trong thông tư 16 Bộ Y tế ban hành tháng 11/2021 mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm.
Hiện tại, ngày 18/2 vừa qua Bộ Y tế đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm, trong đó đã điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, giảm nhiều so với hơn 1 năm trước, ở mức test nhanh không quá 78.000 đồng/mẫu, xét nghiệm PCR không quá 501.800 đồng/mẫu đơn.
Tuy nhiên, đó là phía giá xét nghiệm của các cơ sở y tế, còn với việc test nhanh đang được bán trên thị trường, tình trạng “loạn giá” là thực tế đáng lo.
Thiết nghĩ trước tình trạng bộ test nhanh Covid-19 bày bán tràn lan như hiện nay, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng thanh tra y tế cần vào cuộc, xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở bán các sản phẩm chưa được cấp phép, nhằm bảo đảm hàng hóa chất lượng tốt nhất đến tay người dùng.
Liên quan đến vấn đề giá test tăng nhanh tại Hà Nội, đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị này đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, phòng y tế ở các địa bàn xảy ra sự việc tiến hành kiểm tra. Nếu các sản phẩm bán cao hơn giá công bố hoặc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Về phía Bộ Y tế, ông Vũ Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá vật tư y tế.
“Chúng tôi đang báo cáo lãnh đạo Bộ đồng thời làm việc với các bộ, ngành để bảo đảm khả năng cung ứng vật tư y tế”, ông Lợi cho hay.
Gần đây nhất, liên quan đến câu chuyện quản lý giá kit test nhanh, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Để quản lý giá thiết bị y tế, đại diện Bộ Y tế cho hay, đơn vị này vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Đồng thời, cùng phối hợp để sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19 và ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, đặc biệt qua hệ thống mạng đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế (gồm có các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành).
Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ Y tế đề nghị Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế xây dựng kế hoạch hằng năm, tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế nói chung và các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 nói riêng.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, phối hợp các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn (Công an, Quản lý thị trường....) tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp các phòng, ban và các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu. Bộ Y tế đã thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Về phía người dân, Bộ Y tế khuyến cáo, này cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng khi chọn mua test nhanh, chỉ nên mua các loại kit test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành. Vì sinh phẩm được cấp phép đã qua kiểm chứng mới bảo đảm tiêu chuẩn, độ đặc hiệu, độ nhạy.
Để bảo đảm an toàn cho gia đình và bản thân, người dân tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng.
Việc sử dụng các sản phẩm kit test nhanh không được cấp phép, không rõ nguồn gốc sẽ cho kết quả không chính xác. Bởi vì, rất có thể người bệnh đã dương tính nhưng kết quả vẫn âm tính, gây ra tâm lý chủ quan, có thể làm lây lan dịch bệnh.