Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan tại 20 tỉnh thành. Với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, giá thịt lợn được dự báo còn diễn biến khó lường |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 20 ngày đầu tháng 3/2019, giá lợn hơi trên cả nước giảm so với cuối tháng 02/2019, giảm 5.000 – 8.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm là do sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã ảnh hưởng đến thị trường thịt trong nước. Tại nhiều nơi, lượng thịt lợn tiêu thụ trong thời gian qua đã giảm 50% so với bình thường, trong khi lượng lợn về các chợ đầu mối gia tăng, một phần vì người chăn nuôi chạy dịch.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có tới 20 tỉnh công bố dịch bệnh với lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm.
Hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.
Tuy nhiên, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg. Giá lợn tại công ty chăn nuôi lớn dao động trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá giao dịch trong mức 32.000 - 41.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 39.000 - 45.000 đồng/kg.
Với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, khả năng giá có thể sẽ giảm sâu trong thời gian tới. Trước thực tế ngành chăn nuôi lợn nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp...
Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta đã tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong các khu dân cư, lại không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh nên càng làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn và phức tạp.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định là vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như lở mồm long móng, tai xanh và hiện nay là bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ lợn chết lên đến 100%
Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực, song nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn cao. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Đáng lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tháng 02/2019, đàn trâu cả nước ước giảm 2,8% do diện tích chăn thả thu hẹp, đàn bò ước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Chăn nuôi lợn tiếp tục duy trì đà tăng khá, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại một số tỉnh thành trên cả nước.
Đàn lợn cả nước tháng 2/2019 tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán được duy trì ở mức cao, đàn gia cầm tháng 2 năm 2019 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức 5 – 6%, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Hiện tại, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn 2,5 triệu hộ, giảm từ mức 3,4 triệu hộ năm 2016, với tổng đàn đạt 13,8 triệu con, chiếm 49% tổng đàn, và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 42% sản lượng thịt lợn hơi cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh đang tác động tiêu cực tới sự phát triển chung của ngành chăn nuôi.
Bộ Công Thương dự đoán, vì dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giá lợn hơi trong nước năm 2019 sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch ASF.