Thị trường vàng sẽ có biến động lớn và rất có thể tạo lập các đỉnh giá mới trong năm 2023. Ảnh: AFP |
Phát biểu trên đài CNBC mới đây, ông Juerg Kiener dự đoán giá vàng có thể đạt từ 2.500 đến 4.000 USD/ounce vào năm tới; đồng thời lưu ý rằng rất có thể thị trường vàng sẽ có biến động lớn, "không chỉ là 10% hay 20%" mà có thể sẽ "tạo lập các đỉnh giá mới".
Giám đốc điều hành Swiss Asia Capital lý giải rằng, nhiều nền kinh tế có thể phải đối mặt với "suy thoái nhẹ" trong quý I/2023, buộc các ngân hàng trung ương phải giảm tốc độ tăng lãi suất và khiến vàng lập tức trở nên hấp dẫn hơn. Cần lưu ý rằng vàng cũng là tài sản mà mọi ngân hàng trung ương đều nắm trữ.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua vào 400 tấn vàng trong quý III/2022, gần gấp đôi mức kỷ lục trước đó là 241 tấn trong cùng kỳ năm 2018. Kể từ những năm 2000, lợi nhuận trung bình trên vàng tính bằng bất kỳ loại tiền tệ nào đạt từ 8 - 10%/năm, trong khi thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán đều không thể đạt mức lợi nhuận này.
Ông Kiener nhận định, nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới vẫn neo ở mức cao. "Vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát rất tốt, một sản phẩm tuyệt vời trong thời kỳ 'đình lạm' và là một sản phẩm bổ sung tuyệt vời cho danh mục đầu tư". Đình lạm trong kinh tế học được xác định là hiện tượng nền kinh tế bị đình đốn, tăng trưởng chậm lại nhưng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Trái ngược với quan điểm của Giám đốc điều hành Swiss Asia Capital, ông Kenny Polcari, chiến lược gia thị trường cao cấp tại Công ty quản lý tài sản Slatestone Wealth, lại cho rằng giá vàng khó có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2023, kể cả khi nhu cầu về vàng tăng mạnh mẽ.
"Tôi không nghĩ giá vàng có thể chạm mức 4.000 USD/ounce, mặc dù tôi rất muốn thấy mức giá đó", ông Polcari nói. Chuyên gia này thậm chí cho rằng giá vàng sẽ chứng kiến một số đợt giảm giá và neo ở mức 1.900 USD/ounce.
Trong bối cảnh hiện nay, giá vàng đang và sẽ chịu tác động từ các biện pháp kiềm chế lạm phát và quyết sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Điển hình, đồng đô la Mỹ đã suy yếu còn vàng tăng giá 1% trên mức 1.800 USD/ounce sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên 0,5%, từ mức 0,25% vào ngày 20/12.
"Vàng nên là một phần trong danh mục đầu tư của bạn. Tôi nghĩ rằng nó sẽ tăng trưởng tốt hơn, nhưng tôi không kỳ vọng mức giá 4.000 USD cho vàng", chiến lược gia của Slatestone Wealth bày tỏ.
Ông Nikhil Kamath, đồng sáng lập Công ty môi giới lớn nhất Ấn Độ Zerodha, cho rằng nhà đầu tư nên phân bổ 10% đến 20% danh mục đầu tư của họ cho vàng và đây là một "chiến lược phù hợp" cho đến năm 2023. "Vàng thường ngược chiều với lạm phát và nó là một rào chắn tốt chống lại lạm phát", ông Kamath nhấn mạnh.
Đối với lo ngại nguồn cung eo hẹp khi nhu cầu vàng tăng cao, Giám đốc điều hành Swiss Asia Capital cho rằng "nguồn cung luôn có, nhưng có thể không phải ở mức giá bạn muốn".
"Châu Á lâu nay là khu vực tiêu thụ lượng lớn vàng. Và nếu nhìn các hoạt động giao dịch một cách tổng thể, về cơ bản vàng đang rời phương Tây và chuyển đến châu Á", đại diện Swiss Asia Capital nói thêm.
Đáng chú ý, đầu tháng này Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo rằng, họ đã bổ sung thêm lượng vàng trị giá khoảng 1,8 tỷ USD vào kho dự trữ, nâng giá trị tích lũy lên khoảng 112 tỷ USD, theo Reuters.