Đà tăng cao của giá vàng quốc tế trong tuần qua nhờ USD suy yếu sau khi báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ thấp hơn dự báo. Chỉ số USD-Index tiếp tục giảm xuống 106,42 điểm.
Trong tuần qua, giá vàng quốc tế đã tăng rất mạnh, khoảng 5%, lên mức đỉnh cao 1.772 USD/ounce và đóng cửa ở mức 1.769 USD/ounce cho dù thị trường dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng tiếp lãi suất, nhưng ở mức độ chậm lại.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng trước sau khi tăng cùng biên độ vào tháng 9/2022.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm qua, CPI của nước này tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng này thấp hơn dự báo của nhiều chuyên gia trước đó với mức tăng 0,6% so với tháng trước và 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo tương ứng 0,5% và 6,5%...
Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt một chút trong tháng 10 dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ ôn hoà hơn trong việc nâng lãi suất.
Giới phân tích cho rằng, thị trường bắt đầu thấy dữ liệu lạm phát đang giảm xuống, thì có thể kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu làm chậm tốc độ của các đợt tăng lãi suất.
Giới phân tích tài chính nhận định, sau 4 tháng CPI của Mỹ giảm liên tiếp, có thể khẳng định lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh và mức giảm CPI có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng tới nếu không có gì biến động đột biến.
Lạm phát của Mỹ “hạ nhiệt” làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ giảm quy mô tăng lãi suất ở các kỳ họp sắp tới xuống 0,5%, thậm chí 0,25%.
Vì vậy cuộc khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới có nhiều ý kiến lạc quan hơn. Cụ thể, có 19 nhà phân tích Phố Wall tham gia cuộc khảo sát thì đến 12 người, tương ứng 63% dự báo giá vàng sẽ tăng.
Ngược lại có 2 người, tương ứng 11% đưa ra ý kiến vàng sẽ sụt giảm và 5 nhà phân tích còn lại, chiếm 26% cho rằng kim loại quý sẽ đi ngang.
Tương tự, cuộc thăm dò trực tuyến Main Street tuần này thu hút được 905 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì có đến 588 người, tương đương 65% nghĩ rằng giá vàng sẽ tăng.
Trong khi đó 199 người, tương đương 22% đưa ra ý kiến ngược lại; còn 118 nhà đầu tư, tương ứng 13% nhận định kim loại quý sẽ đi ngang.
Theo các nhà phân tích tài chính, Fed giảm quy mô tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới là có thể xảy ra, nhưng cơ quan này chưa thể ngừng tăng lãi suất. Bởi lạm phát Mỹ vẫn còn cách xa lạm phát mục tiêu 2% mà Fed đã ấn định.
Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC cũng tăng theo đà tăng giá vàng quốc tế, nhưng mức tăng ít hơn nhiều. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã tăng từ 66,6 triệu đồng/lượng lên mức 67,6 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá mua và bán 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới hơn 15 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí) nên mua vàng trong nước rủi ro cao.
Thực tế, nếu so với đỉnh cao thiết lập hồi đầu tháng 3 năm nay, giá vàng miếng SJC trong nước hiện giảm khoảng 8 triệu đồng/lượng.