Giá bán lẻ xăng dầu dự báo sẽ tăng vào ngày mai,1/6. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành ngày mai (1/6) có thể tăng theo đà tăng của giá dầu thế giới. Dự kiến, giá xăng dầu có thể tăng từ 700 - 900 đồng/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính từ kỳ điều hành 22/5 đến nay có xu hướng tăng.
Bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ 24-29/5 là 88,308 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 là 93,348 USD/thùng. Trong khi ở kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore là 85,146 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 89,633 USD/thùng.
Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 từ ngày 24-29/5 tăng 3,162 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 tăng 3,715 USD/thùng.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 22/5, xăng RON95-III là 21.499 đồng/lít (tăng 499 đồng/lít) ;Xăng E5RON92 có giá 20.488 đồng/lít (tăng 357 đồng/lít ), thấp hơn xăng RON95 1,011 đồng/lít.
Dầu điêzen 17.954 đồng/lít (tăng 301 đồng/lít); Dầu hỏa 17.969 đồng/lít (giảm 3 đồng/lít); Dầu mazut 180CST 3.5S là 15.158 đồng/kg (tăng 296 đồng/kg).
Nếu xăng dầu được cơ quan điều hành tăng giá trong ngày 1/6 sẽ là lần tăng giá liên tiếp trong 2 kỳ điều chỉnh gần đây nhất.
Còn tính từ đầu năm đến 1/6, giá bán lẻ xăng dầu trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó có 8 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Theo Bộ Tài chính, hết quý I/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 5.640,34 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với quý liền trước đó, đồng thời đây cũng là mức cao nhất của Quỹ từ đầu năm 2021 đến nay. (Trước đó, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết ngày 31/12/2022 là 4.617 tỷ đồng).
Trong quý I/2023 (từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/03/2023) tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 1.681,75 tỷ đồng; số sử dụng là 658,99 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dương trong quý I/2023 là 2,42 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm trong quý I/2023 là 2,17 tỷ đồng.
Điện, xăng dầu tiếp tục là chủ đề nóng tại nghị trường quốc hội. Trong rất nhiều vấn đề nóng được tổng hợp tại báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về ý kiến tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, không ít đại biểu chất vấn về xăng dầu, điện..
Liên quan đến lĩnh vực Bộ Công thương phụ trách, đại biểu cho rằng việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu có rất nhiều bất cập, làm méo mó thị trường, trong kỳ điều hành, nếu sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà Quỹ bình ổn không còn, biến động giá trong nước sẽ cao hơn biến động giá thế giới, gây sốc cho thị trường, người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá rõ vấn đề điều hành, cũng như cơ chế xây dựng giá đối với xăng dầu, làm rõ trách nhiệm này thuộc về ai và thiệt hại như thế nào.