1. Cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn bị ngắt quãng bởi những tiếng chuông điện thoại. “Chủ đầu tư nhiều dự án đang gọi lại, đề nghị chúng tôi hoàn tất hồ sơ thiết kế”, ông Tuấn giải thích và chia sẻ, đây là những tín hiệu tốt đầu tiên sau thời gian dài thị trường bất động sản và xây dựng bết bát.
| ||
Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn: Chẳng doanh nghiệp nào chỉ hoạt động trong phạm vi một nước mà có thể trở thành thương hiệu toàn cầu được |
Gọi là tín hiệu tốt, bởi nhiều chủ đầu tư gần như đã bặt tin từ nhiều tháng qua. Các dự án này, cho dù đã được ký hợp đồng tư vấn thiết kế từ trước, song đều trong tình trạng để đấy.
“Là tư vấn thiết kế, có thể hiểu như là nhà thầu trong ngành xây dựng, khi nền kinh tế, đặc biệt là thị trường xây dựng, bất động sản khó khăn, chúng tôi đương nhiên bị ảnh hưởng”, ông Tuấn vừa nói vừa lật lại những dự án thực sự tiếng tăm ở Hà Nội, Đà Nẵng… đang chờ được khởi động lại.
Được biết đến như là một trong những công ty thành viên của Tập đoàn Nam Cường, Thành Nam đã từng có thời “làm không hết việc”.
Ngay từ lúc đó, Thành Nam đã được biết đến bởi sự đầu tư mạnh cả về nhân sự và công nghệ. Đây một trong số không nhiều doanh nghiệp tuyển dụng kiến trúc sư nước ngoài, đầu tư công nghệ phần mềm, xây dựng hệ thống dữ liệu... phục vụ công tác thiết kế từ rất sớm. “Mục tiêu chính khi đó là đáp ứng đòi hỏi về tiến độ, chất lượng gắt gao của chủ đầu tư. Nhưng cũng nhờ vậy mà năng suất lao động của Thành Nam cao hơn rất nhiều so với nhiều công ty cùng lĩnh vực”, ông Tuấn nhớ lại.
Đặc biệt, Thành Nam đã tự phát triển và đăng ký bản quyền phần mềm Intelinfra suite để thực hiện công việc thiết kế hạ tầng đô thị và công nghiệp.
2. Trong số các dự án lớn mà Thành Nam đã thực hiện và thực hiện thành công, ông Tuấn muốn nhắc tới Dự án Cát Bà Amatina của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex. Dự án có quy mô tới 1 tỷ USD, nằm trải rộng trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), hướng ra biển.
Cũng phải nói rõ, sự tham gia của Thành Nam với dự án này là sau khi Tập đoàn tư vấn thiết kế GROUP 70/PACMAR, Inc (Hoa Kỳ) đã hoàn tất thiết kế quy hoạch. “Phần việc của chúng tôi là rà soát, chỉnh sửa lại quy hoạch để phục vụ kế hoạch bán hàng, phù hợp với định hướng của thị trường. Nói thì đơn giản vậy, nhưng làm ra được một sản phẩm mà chủ đầu tư ưng ý, người đầu tư chấp nhận thực sự khó khăn”, ông Tuấn nói.
Chắc phải là người trong nghề mới hiểu rõ sức ép của công ty tư vấn khi tìm lời giải cho bài toán này, nhất là với dự án sinh thái quy mô lớn và mới mẻ với thị trường bất động sản Việt Nam những năm đó.
Còn với những người ngoại đạo, ngay cả khi ông Tuấn mô tả chi tiết những công việc đã làm trên bản quy hoạch với vài chục hình ảnh, góc cạnh khác nhau của Khu đô thị du lịch sinh thái này, chúng tôi vẫn khó hình dung hết hiệu quả của lời giải mà Thành Nam đề xuất. Chỉ có điều, nhìn vào bản quy hoạch Cát Bà Amatina được treo ở vị trí dễ nhìn nhất tại Văn phòng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Nam tại Hà Nội, chúng tôi buột miệng ao ước, giá mà có thể sở hữu một phần của thiên đường có thực này.
“Nhiều người cũng nói như vậy. Đó là thành công của chúng tôi khi tìm được giải pháp để khơi gợi sự ham muốn của người mua”, ông Tuấn vui mừng chia sẻ.
Nghe ông Tuấn chia sẻ, cái khó nhất của nghề tư vấn thiết kế là phải làm việc với những đối tác vô cùng hiểu việc, hiểu nghề. Nếu không hiểu hơn họ, hay không thể đưa ra những giải pháp mà họ chưa nghĩ tới, thì không thể làm tư vấn được. “Chúng tôi có lợi thế khi khởi đầu với sự bao bọc của Tập đoàn Nam Cường, với hồ sơ kinh nghiệm là những dự án quy mô, nhưng ngay khi tiếp quản Thành Nam với vị trí giám đốc 9 năm trước, tôi đã xác định, nếu chỉ quanh quẩn sân nhà, thì không thể lớn được”, ông Tuấn nói.
Bắt đầu là những mục tiêu rất vừa phải, năm 2004 đặt mục tiêu có 10% số dự án ở bên ngoài, đến nay Thành Nam đã có mặt trên cả nước, là nhà tư vấn thiết kế thường xuyên của nhiều chủ đầu tư lớn như Foxconn, Tập đoàn VID, Tập đoàn Công Thanh, Nam Cường… và mới nhất là các dự án của Tập đoàn Formosa…
Năm 2013, ông Tuấn đang lên kế hoạch chi tiết để đưa Thành Nam vượt biên giới.
3. Thông tin trên trang www.thanhnamcc.com cho thấy, dù chưa từng bắt tay vào các dự án nhà ở dân cư riêng lẻ và cũng không có kế hoạch đặt chân vào phân khúc này, song trong tay Thành Nam đang có một thư viện khoảng 1.000 mẫu thiết kế nhà ở dân cư.
“Với hệ thống dữ liệu này, chi phí một bộ hồ sơ thiết kế nhà ở dân cư riêng lẻ của chúng tôi có thể giảm từ mức bình quân 50 triệu đồng/bộ xuống còn… 1 triệu đồng/bộ”, ông Tuấn hào hứng nói về kế hoạch mới.
Nhưng, bài toán cắt giảm tới 50 lần chi phí này không dùng cho thị trường Việt Nam vào lúc này. Trong kế hoạch mà ông Tuấn đang dự liệu, phần hạ tầng này sẽ tạo nền tảng đầu tiên khi Thành Nam đặt chân tới các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á hay châu Phi.
“Chúng tôi xác định nhà ở dân cư sẽ là viên gạch đầu tiên của Thành Nam ở ngoài biên giới. Thứ nhất, đây không phải là phân khúc mà các tập đoàn lớn đang nhắm tới, nên sự cạnh tranh sẽ vừa phải. Hơn thế, ở các thị trường mới phát triển, đa phần quy mô công trình nhỏ và chi phí là điều được quan tâm nhất. Chính vì vậy, chúng tôi xác định làm bài bản ngay từ đầu để vừa đáp ứng yêu cầu về chi phí, vừa giữ được nguyên tắc chất lượng mà Thành Nam phải tuân thủ dù thực hiện bất cứ dự án nào trong bất cứ phân khúc thị trường nào”, ông Tuấn phân tích quan điểm kinh doanh “hữu xạ tự nhiên hương” của mình.
Khi bắt đầu tham gia thiết kế quy hoạch những năm trước, ông Tuấn kể, Thành Nam cũng đã theo đúng cách thức này, có nghĩa là xây dựng hệ thống dữ liệu, áp dụng phền mềm hiện đại. “Trong thiết kế, ý tưởng là quan trọng nhất, nhưng khi đã định hình ý tưởng hoặc có yêu cầu thay đổi, chỉnh sửa, với công cụ trong tay, chúng tôi có thể thực hiện nhanh với chi phí thấp”, ông Tuấn khẳng định và cho rằng, đây là chìa khóa để Thành Nam đảm bảo được mục tiêu không lỗ trong giai đoạn khó khăn vừa qua và cũng sẽ là chìa khóa để Thành Nam mở thị trường nước ngoài.
4. Trong những chuyến công tác gần đây của ông Tuấn, điểm đến hầu hết là các hoạt động liên quan đến giới thiệu hệ thống phần mềm quản lý dự án, thiết kế, quy hoạch của các tập đoàn nước ngoài. Với ông Tuấn, hiện là thời điểm tốt nhất để củng cố năng lực cạnh tranh qua những giải pháp công nghệ mới và ông không muốn bỏ qua một cơ hội nào.
Ngay từ đầu năm 2013, ông Tuấn kể, chiến thuật 3S đã được phố biến tới từng thành viên trong Công ty.
Thứ nhất là Smaller, nhỏ hơn, nghĩa là sẽ không phát triển quy mô trong giai đoạn vạn sự đều khó. Mục tiêu chính là ổn định hệ thống và củng cố bộ máy.
Thứ hai là Smarter, gia tăng sự “thông minh” bằng liên kết với các đối tác nước ngoài, đối tác uy tín, cập nhật công cụ quản lý, cách thức làm việc tiên tiến, hiệu quả…
Thứ ba là Stronger, mạnh mẽ hơn bằng sự sẵn sàng đổi mới và vững vàng của hệ thống.
Đây là lý do mà ông Tuấn hay tham gia dự án của nhà đầu tư nước ngoài dù lợi nhuận thấp. Ví dụ như trong Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây, Thành Nam chỉ thực hiện một phần việc rất nhỏ, nhưng cơ hội học hỏi từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc là lợi ích lớn không có trong hợp đồng. Quyết định đặt chân ra nước ngoài cũng trong mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành Nam.
“Như một đội bóng, để nâng cao trình độ và cả tinh thần chiến đâu, chúng tôi phải thi đấu cọ sát ở mọi sân”, ông Tuấn - con người đam mê thể thao tâm sự.
Trò chuyện với CEO Nguyễn Anh Tuấn (tuanna@thanhnamcc.com) Thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua chưa, thưa ông? Đang có dấu hiệu khá hơn. Tuy nhiên, đây là thời điểm tốt cho các doanh nghiệp có thực lực, vì đợt sàng lọc vừa qua đã phân định khá rõ giá trị thực - ảo của các doanh nghiệp trên thị trường. Trong giai đoạn này, ông đang chọn giải pháp kinh doanh nào? Ưu tiên tham gia dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và dự án của các khách hàng thân thiết nhiều năm qua. Tăng tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro trong quản lý nội bộ... Quyết định đầu tư ra nước ngoài trong năm nay có phải là một hướng đi để mở thị trường? Đó là một lý do. Song quan điểm của tôi, đây là hoạt động cần khuyến khích. Chẳng doanh nghiệp nào chỉ hoạt động trong phạm vi một nước mà có thể trở thành thương hiệu toàn cầu được. Hơn thế, áp lực cạnh tranh sẽ buộc doanh nghiệp phải chú trọng đầu tư chiều sâu, công nghệ, nâng cao năng lực cốt lõi… |
Khánh An