Theo Bộ trưởng, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy hải sản lớn nhất cả nước mà còn là một vùng động lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Diễn đàn |
Trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển khá, đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long vẫn có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước. Đồng thời Vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Nhận rõ thách thức trên, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để các địa phương trong Vùng ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai tốt hơn, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường thông qua việc ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại biểu phát biểu tại Diễn đàn |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai ba nội dung quan trọng đó là:
Thứ nhất, thực hiện nghiên cứu Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành.
Thứ hai, rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng ĐBSCL, trong đó có việc thành lập Hội đồng Vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng, nông sản, thủy sản của Vùng.
Thứ ba, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng, kết hợp phát triển du lịch; ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, sử dụng thông minh nguồn nước, hạn chế tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, các thiên tai liên quan đến nước.
“Diễn đàn này là cơ hội hết sức quý báu để chúng ta tập trung xem xét một cách thấu đáo, đánh giá toàn diện tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao sau hai năm ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP; từ đó đề ra phương pháp lập quy hoạch vùng có tầm nhìn dài hạn và phù hợp, các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng ĐBSCL và xây dựng được cơ chế huy động nguồn lực có tính thực tiễn cao để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng ngày càng tốt hơn với các khó khăn thách thức hiện tại”, Bộ trưởng cho biết.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các đại biểu, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, tập trung thảo luận 5 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng liên quan đến quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và huy động nguồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long như sau:
Một là, thảo luận phương pháp, định hướng tổ chức và lập Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần thảo luận làm rõ hướng đi của Quy hoạch vùng như thế nào? lĩnh vực nào cần ưu tiên phát triển? tính kết nối của các tiểu vùng thể hiện như thế nào?...
Hai là, đánh giá những điểm đã làm được và chưa làm được thực hiện thí điểm cơ chế điều phối vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg? các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện? các giải pháp khắc phục là gì?
Ba là, thảo luận các kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch vùng và cơ chế liên kết, điều phối vùng, từ đó đúc rút các bài học, kinh nghiệm phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của vùng ĐBSCL;
Bốn là, thảo luận và cho ý kiến về các mô hình Hội đồng vùng nhằm tăng cường điều phối và liên kết vùng trong giai đoạn tới, trong đó cần phân tích rõ các ưu điểm, hạn chế và sự phù hợp của từng mô hình trong bối cảnh hiện nay như thế nào?
Năm là, đánh giá các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hiện nay cho ĐBSCL đã được triển khai thực hiện như thế nào? Trên cơ sở đó, đề xuất phương pháp tính toán và xây dựng nguồn lực khả thi cho vùng ĐSBCL cho giai đoạn tới; làm rõ lĩnh vực, chương trình, dự án cần ưu tiên tập trung bố trí hỗ trợ đầu tư.