Đầu tư
Giải ngân FDI 2018 tiếp tục xô đổ kỷ lục
Anh Phong - 25/12/2018 11:42
Ba năm liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, giải ngân vốn FDI tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% để thiết lập kỷ lục mới với số vốn giải ngân 19,1 tỷ USD.

Chỉ tính trong 3 năm gần đây, số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã đạt hơn 50 tỷ USD (17,5 tỷ USD - 2017; 15,8 tỷ USD - 2016). Đây là nguồn vốn bổ sung hết sức quan trọng cho đầu tư phát triển tại Việt Nam, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động.

Trong khi đó, về vốn đăng ký, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/12/2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017

Trong đó, có 3.046 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,59 tỷ USD, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2017. Và 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017.

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài  cũng cho thấy, trong năm 2018 có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản hai năm liền giữ vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư...

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Xét về quy mô dự án, nếu như năm 2017, sự chú ý dồn về 3 dự án BOT nhiệt điện, thì năm 2018, các dự án lớn thuộc về lĩnh vực bất động sản và công nghiệp chế tạo.

Có thể kể tới dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…; Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018; Dự án Lotte Mall tại Hà Nội; Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào ngày 23/02/2018; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc),điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD...

Ngoài ra, còn có một số dự án thuộc lĩnh vực khác như dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu...

Tin liên quan
Tin khác