Cần thiết bởi, dù quan điểm nhất quán của Chính phủ là coi FDI là một bộ phận của nền kinh tế và cần tiếp tục thu hút FDI cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, song vẫn có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là kỳ thị khu vực FDI, khi cho rằng, họ vào Việt Nam đã chèn ép, giành thị trường của doanh nghiệp nội. Thậm chí, có người đặt câu hỏi, Việt Nam có cần thiết phải thu hút FDI nữa không?...
Quan điểm của Chính phủ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là, nếu chúng ta trọng thị nhà đầu tư nước ngoài, liên tục cải cách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thì chắc chắn, họ sẽ đến nhiều hơn. Ảnh minh họa: Sản xuất tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài |
Ở đây, xin kể lại câu chuyện của một tập đoàn nước ngoài đầu tư rất lớn vào Việt Nam.
Chuyện rằng, lãnh đạo tập đoàn này đã không ít lần chia sẻ, ông cảm thấy buồn, thấy chạnh lòng khi luôn nhận được câu hỏi: Bao giờ các ông sẽ rời Việt Nam, trong khi trên thực tế, doanh nghiệp này đã đến và muốn ở lại lâu dài.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam cũng kể những câu chuyện tương tự. Ông Kelly chia sẻ, Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhưng một số nhà chức trách lại đang đặt câu hỏi rằng, việc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam liệu có thật sự là tốt cho nền kinh tế hay không?
30 năm thu hút FDI, những gì khu vực này làm được cho kinh tế - xã hội Việt Nam là điều không phải bàn cãi nữa. Nhưng tại sao lại là câu hỏi họ có thật sự tốt cho nền kinh tế Việt Nam hay không, hay bao giờ họ sẽ rút khỏi Việt Nam?
Việt Nam có truyền thống hiếu khách. Khi khách đến nhà, không ai đặt câu hỏi rằng, bao giờ khách rời đi. Nhưng có vẻ như cách ứng xử này đang được áp dụng với các nhà đầu tư nước ngoài, dù chỉ ở một bộ phận rất nhỏ.
Câu hỏi đúng nhất, cũng là cách ứng xử đúng nhất đáng lẽ phải là, làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài đến nhiều hơn, ở lại lâu dài và mang lại những lợi ích to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Tất nhiên, “cuộc chơi” này phải là cùng có lợi, Việt Nam được lợi và nhà đầu tư cũng được lợi, chứ không thể chỉ là một phía.
Ông Michael Kelly khi tham dự VBF cũng phát biểu: “Tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng, không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam”. Vấn đề quan trọng là ở chỗ đó.
Việt Nam sau 30 năm thu hút FDI đang bàn về định hướng thu hút và sử dụng vốn FDI trong thời gian tới. Tại hội nghị về nội dung này vào cuối tuần trước, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam phải tranh thủ thời gian, cơ hội, tạo sự bứt phá trong đầu tư nước ngoài, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón nhận dòng đầu tư mới. Và rằng, những nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam là công dân Việt Nam, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư theo khuôn khổ pháp luật để cùng phát triển.
Ở đây, xin chưa bàn tới câu chuyện Việt Nam sẽ chuyển hướng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào, mà chỉ bàn về cách ứng xử với nhà đầu tư ngoại. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã vừa khẳng định lại một lần nữa quan điểm của Chính phủ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là, nếu chúng ta trọng thị nhà đầu tư nước ngoài, liên tục cải cách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, thì chắc chắn, họ sẽ đến nhiều hơn.
Khi đó, việc chọn nhà đầu tư nào, làm sao để dòng vốn đó mang lại nhiều lợi ích nhất cho kinh tế - xã hội Việt Nam là câu chuyện của Việt Nam, phụ thuộc vào sự lựa chọn chính sách của chính chúng ta.