Ô tô - xe máy
Giải vô địch đua xe điện thế giới ABB Formular E: Mở đường cho tương lai
Phương Thu - 13/03/2019 14:17
Những con đường ở Hồng Kông càng thêm náo nhiệt khi cuộc đua xe điện ABB Formula E diễn ra tại đây trong tuần qua, thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ. Đây là chặng đua thứ 5 trong tổng cộng 11 chặng đua của ABB FIA Formula E Championship. Cuộc đua đã tạo cảm hứng cho một thế hệ mới những người yêu tốc độ, đồng thời cũng yêu môi trường.
Cuộc đua xe điện ABB Formula E diễn ra tại Hồng Kông.

Không chỉ là một cuộc đua

Nhằm đẩy mạnh giao thông bền vững và kiến tạo tương lai của ngành ô tô chạy bằng điện, ABB đã hợp tác với Formula E để tổ chức giải vô địch đua xe điện thế giới ABB Formula E.

Formula E là giải đua xe mới nhất được công nhận bởi tổ chức thể thao quốc tế Fédération Internationale de l’Automobile (FIA). Đây là giải đấu mà tất cả các chiếc xe tham dự đều chạy bằng động cơ năng lượng điện, đúng với tinh thần Electric như trong tên gọi. Mỗi mùa giải sẽ bắt đầu từ những tháng cuối năm trước và kết thúc vào mùa hè của năm kế tiếp với số chặng đua dao động từ 10 đến 14 chặng.

Sau 4 mùa giải với chiếc xe thế hệ đầu tiên, từ mùa giải 2018 - 2019, giải đấu sẽ chuyển sang chiếc xe thế hệ 2, mà thoạt nhìn trông như những chiếc xe đến từ tương lai. Được sử dụng trong 3 mùa giải tiếp theo, chiếc xe Gen 2 này có sức chứa năng lượng gấp đôi, điều này sẽ giúp xe đạt được tốc độ cao hơn và các đội không phải thay xe giữa chặng đua.

Năng lượng được sản xuất ra có thể đạt đỉnh ở mức 250 kW (335 mã lực), vì thế trong cuộc đua phân hạng, mỗi chiếc xe sẽ có thêm 50 kW sức mạnh so với phiên bản hiện tại. Mỗi chiếc xe FE có thể tăng tốc độ từ 225 km/h lên đến hơn 300 km/h.

Ban Tổ chức và các nhà tài trợ cũng như các tay đua hy vọng sẽ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng ô tô điện nhiều hơn để bảo vệ môi trường. Một tay đua  chia sẻ: “Tôi có mặt tại đây, tại cuộc đua xe điện này để chứng minh cho mọi người thấy, ô tô điện hữu dụng như thế nào, kể cả với tư cách là một môn thể thao. Nó đẹp, nhanh và quyến rũ, giúp cuộc sống mọi người được cải thiện hơn”.

ABB cũng cho rằng, Formular E Championship không chỉ là một cuộc đua, đây còn là trường đua trải nghiệm công nghệ, mở ra một tương lai mới giải quyết các vấn đề môi trường. “Chúng tôi tin rằng, xe điện đại diện cho tương lai và là câu trả lời cho giao thông bền vững và chống biến đổi khí hậu”, đại diện ABB nói.

Formular E đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi sang thành phố thông minh, giảm khí thải, do vậy, khái niệm chung về tính bền vững của Formular E là giảm tối đa các ảnh hưởng lên con người và trái đất.

Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm…

Ngày 17/12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua mục tiêu cắt giảm 37,5% lượng khí thải carbon từ ô tô trong một thập kỷ. Thông báo được đưa ra 2 ngày sau khi Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) tại Katowice (Ba Lan) kết thúc.

“Trong một thế giới đô thị hóa nhanh chóng, chúng ta cần những giải pháp để giúp thành phố phát triển bền vững, trong đó nền tảng công nghệ di động sạch (clean mobility) có vai trò thiết yếu trong việc cải thiện môi trường đô thị. Với những công nghệ tiên phong về thành phố thông minh, cũng như dẫn đầu toàn cầu về giải pháp sạc điện, ABB góp phần giúp giải quyết các thách thức về chất lượng không khí, tắc nghẽn giao thông, cũng như tiêu thụ năng lượng qua e-mobility, hạ tầng thông minh, tiêu thụ năng lượng hiệu quả. Cùng với FIA, giải vô địch đua xe điện thế giới ABB Formular E, chúng tôi đang viết lên một tương lai giao thông đô thị bền vững”, Giám đốc điều hành ABB Ulrich Spoesshofer chia sẻ.

Con đường cho Việt Nam

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe ô tô, xe gắn máy là lựa chọn tối ưu để hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Hàng năm, tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2, 61.000 tấn CO, 35.000 tấn NO2, 12.000 tấn SO2 và hơn 22.000 tấn CmHn. Nồng độ các chất có hại trong không khí ở các đô thị lớn vượt mức cho phép nhiều lần, riêng SO2 cao gấp 2-3 lần.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, ô nhiễm môi trường ở các đô thị, đặc biệt là TP.HCM, Hà Nội đang là một thách thức khi lượng xe máy, ô tô quá tải. Việc áp dụng công nghệ tạo ra các phương tiện giao thông bảo vệ môi trường, thông qua đó giảm ô nhiễm môi trường không khí là một biện pháp được Chính phủ rất quan tâm

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển công nghệ “xe xanh” thông minh, ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 909/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2013 triển khai đề án tại Hà Nội và TP.HCM, giai đoạn 2013 - 2015 mở rộng phạm vi thực hiện đề án tại một số thành phố cấp 1 và cấp 2. 

Nhưng thực tế tại Việt Nam, xu hướng công nghệ “xe xanh” chưa được đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, trong khi làn sóng nghiên cứu xe xanh đang nổi lên mạnh mẽ trên thế giới.

ABB đem đến các giải pháp xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ phục vụ quá trình đô thị hóa thông qua ABB Ability - Bộ giải pháp kỹ thuật số của ABB.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2017, Việt Nam đã sản xuất và lắp ráp gần 3,8 triệu chiếc xe máy với tỷ lệ nội địa hóa cao, nhưng tuyệt đại đa số là xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch với công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Bên cạnh đó, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu gần 446 triệu USD giá trị xe máy và linh kiện (năm 2020, dự kiến con số tương ứng lên tới 890,6 triệu USD).

Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của công nghệ, một cuộc chiến giữa xe xăng và xe chạy bằng năng lượng sạch đang dần manh nha.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang từng bước chuyển đổi, thay thế và lựa chọn công nghệ xanh trong sản xuất xe môtô, xe gắn máy, góp phần chung tay giải quyết thách thức về môi trường. Trong đó, Vinfast đi đầu phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe khi sử dụng các công nghệ hiện đại từ các quốc gia tiên tiến như Đức, Nhật Bản… giúp người dùng có thể tiếp cận với IoT (Internet vạn vật) trên chính phương tiện giao thông của mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, thời gian gần đây, với sự phát triển của hàng loạt công nghệ thông minh cũng như công nghệ về năng lượng tái tạo, công nghệ mới về lưu trữ năng lượng, trên thế giới đã hình thành và tạo ra hệ thống giao thông thông minh, thân thiện hơn với môi trường, giảm phát thải… Xu thế giao thông thông minh lan tỏa sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, với dân số xấp xỉ 10 triệu người, trong đó trên 90% người dân đi lại bằng xe máy, tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao nhất thế giới. Việc phát triển hệ thống giao thông vận tải đảm bảo không ùn tắc, an toàn, hiệu quả, thông minh, với việc sử dụng công nghệ xanh bảo vệ môi trường là giải pháp căn bản và cấp thiết.

Theo đại diện Bộ Giao thông - Vận tải, sản xuất xe điện cần 4 công nghệ cơ bản là tích lũy điện, máy điện, máy đổi điện và kỹ thuật điều khiển. Khi các loại phương tiện chạy bằng điện phát triển, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng.

Nhìn từ góc độ một nhà đầu tư, cung cấp các giải pháp hàng đầu, TS. Brian David Hull, Tổng giám đốc Công ty TNHH ABB Việt Nam, chỉ ra thực tại quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng thường vượt quá khả năng của chính quyền địa phương về đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dịch vụ. Nguồn vốn và thời gian để phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết thường hạn chế. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với các vấn đề mang tính toàn cầu khác do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là mực nước biển dâng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Brian khẳng định, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý đô thị. ABB đem đến các giải pháp xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ phục vụ quá trình đô thị hóa thông qua ABB Ability - Bộ giải pháp kỹ thuật số của ABB, với 210 giải pháp. Những công nghệ 4.0 này sẽ là hạ tầng quan trọng của những thành phố thông minh, quản lý hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà, giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch trong mạng lưới cung cấp nước và cung cấp nền tảng thông tin không dây đảm bảo an ninh.

“Chúng tôi mong muốn mang tới nhiều công nghệ hơn nữa cho Việt Nam và hỗ trợ phát triển đô thị hoá bền vững nói chung và giao thông thông minh ở Việt Nam nói riêng”, đại diện ABB bày tỏ.

Tin liên quan
Tin khác