Thời sự
Giảm cấp phó, sẽ… thiếu người đi họp
Mạnh Bôn - 16/04/2015 09:37
Các cơ quan hành chính, sự nghiệp có quá nhiều cấp phó, vì vậy, chiều nay tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, các Đại biểu Quốc hội kiên quyết giảm số lượng cấp phó.

Đại biểu Lê Nam và nhiều đại biểu khác bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi quy định ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, số lượng cấp phó tối đa là 5 người, trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có tối đa 6 thứ trưởng. Ở cấp tổng cục, cấp phó tối đa là 4; cấp cục, cấp phó tối đa là 3; và cấp vụ, cấp phó tối đa là 2 người.

Hiện tại tình trạng “bội thực” cấp phó diễn ra ở hầu hết các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ở cả Trung ương lẫn địa phương, nhưng ông Lê Nam cho biết, ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn không đủ cấp phó để… đi họp.

Đại biểu Lê Nam

 

“Với cơ chế điều hành, quản lý như hiện nay, nếu giảm cấp phó thì không biết lấy ai để… đi họp. Và nếu cứ họp hành, hội nghị như hiện nay không biết phải cần bao nhiêu cấp phó nữa  mới đủ”, ông Nam phát biểu.

Vì sao lại có tình trạng “dư thừa” cấp phó? Theo phân tích của Đại biểu Trần Du Lịch, ở các nước, cấp phó chỉ là người giúp việc cho cấp trưởng nên họ không cần nhiều phó mà họ lựa chọn những người có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm làm cấp phó. Còn ở Việt Nam, cấp phó không khác gì một cấp quản lý hành chính, nên không chỉ cần nhiều cấp phó, mà còn là rào cản trong cải cách thủ tục hành chính.

Đơn cử, ở dưới địa phương có công việc gì, cấp phó phải mất thời gian xử lý sau đó trình lên cấp trưởng trực tiếp. Cấp trưởng lại mất thời gian nghiên cứu rồi lại trình lên phó cấp trên. Cấp phó cấp trên tiếp tục mất thời gian nghiên cứu rồi trình lên cấp trưởng trực tiếp. Cấp trưởng này lại mất thời gian nữa mới trình lên được cấp phó phụ trách ở cơ quan cấp trên… nên mất rất nhiều thời gian xử lý công việc.

“Ở trên Trung ương quy trình cũng tương tự nên phải cần quá nhiều cấp phó đã và đang hạn chế cải cách thủ tục hành chính”, ông Lịch nhấn mạnh.

Muốn giảm cấp phó, theo ông Lịch phải quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của cấp trưởng. Tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, giám đốc các sở  ngành ở địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà cơ quan mình chịu trách nhiệm chứ không phải cấp phó được giao làm thay chịu trách nhiệm.

“Nếu cơ chế cấp phó cũng là cấp hành chính như hiện nay thì cứ việc gì dễ cấp trưởng “đảm trách”, việc gì khó giao cho cấp phó nên cần nhiều cấp phó để dễ giao việc”, ông Lịch bình luận.

Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, một trong những nguyên nhân cần phải có quá nhiều cấp phó là để giải quyết việc đi… họp. Vì vậy, muốn giảm được cấp phó phải chấm dứt các cuộc họp không cần thiết, một cuộc họp cần bàn nhiều nôi dung thay vì chỉ bàn 1-2 nội dung khiến phải tổ chức nhiều cuộc họp.

“Chúng ta lên tiếng về việc thiếu cấp phó để đi họp, nhưng cuộc họp nào cũng yêu cầu phải có cấp trưởng tham dự, nếu không thì cấp phó đi thay mà không giao cho cấp chuyên viên phụ trách đi thay thì không biết mỗi cơ quan, đơn vị cần bao nhiêu cấp phó mới đủ để tham dự tất cả các buổi họp”, ông Cương lên tiếng.

Trước thực tế nhiều bộ ngành, cơ quan hành chính, sự nghiệp có quá nhiều cấp phó dẫn tới phản cảm. “Cử tri thì bức xúc, Chính phủ thì quyết liệt, nhưng mọi việc thì vẫn như cũ. Sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ có khắc phục được thực tế như dư luận phản ánh là ở nhiều cơ quan, cấp phó làm hết mọi việc còn cấp trưởng chỉ làm nhiệm vụ… tiếp khách”, Đại biểu Lê Bá Thuyền lên tiếng.

Ông Thuyền kiên quyết đề nghị, phải luật định mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tối đa là 4 cấp phó; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tối đa là 5 thứ trưởng; cấp tổng cục tối đa là 3 cấp phó còn cấp bên dưới số lượng cấp phó tối đa là 2 người.

“Nhưng tôi lại sợ rằng, luật hạn chế cấp phó sau này lại có chức “hàm thứ trưởng”, “hàm tổng cục phó” như hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định nhưng đi đâu cũng gặp các vị “hàm vụ trưởng”, “hàm vụ phó”, “hàm cục phó”…”, ông Thuyền e ngại sự biến tướng của các cấp phó.

Đồng tình với việc giảm cấp phó, Đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi: “Tại sao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ có 5 cấp phó trừ Bộ Công an và Quốc phòng có 6 thứ trưởng. Tại sao cấp tổng cục chỉ có 4 cấp phó, cấp cục có 3 cấp phó và cấp vụ có 2 cấp phó mà không phải ít hơn hay nhiều hơn”.

Ông Minh đề nghị Ban soạn thảo Luật Tổ chức Chính phủ rà soát xem các bộ ngành hiện nay có bao nhiêu cấp phó và khi Luật có hiệu lực thì giảm được bao nhiêu cấp phó, số cấp phó “dôi dư” phải xử lý thế nào.

Tin liên quan
Tin khác