Luật sư và nhà tư vấn đều là những thành tố cần có trong việc hỗ trợ, hợp tác các bên thực hiện M&A. Tuy nhiên, cần chọn lọn kỹ các đối tác này để đạt thương vụ thành công.
Ông Andy Ho nhìn nhận, nếu đơn vị tư vấn thất bại trong việc hướng dẫn, khuyến nghị phương pháp chốt hay định giá cũng như pháp lý cần rà soát cẩn trọng liên quan thì có đàm phán đến mấy cũng không đi đến kết thúc thành công.
Và nếu muốn tiết kiệm tiền thì doanh nghiệp cần phải thuê và chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm. Ví dụ như yêu cầu họ đưa ra 5 giao dịch đã tư vấn trong ngành tương tự để tham khảo.
Với dân số hiện ở mức trên 96 triệu người, sớm đạt mốc 100 triệu người trong thời gian tới và tỷ trọng dân số trẻ cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư đánh giá là một thị trường hấp dẫn.
Trong năm 2016, ngành bán lẻ là một trong những ngành nổi bật trong các thương vụ M&A với giá trị chiếm tới 38,46% tổng giá trị của các thương vụ.
Đến năm 2017 - 2018, tiếp theo lĩnh vực bán lẻ, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng được coi là hấp dẫn nhất tiếp tục được các nhà đầu tư nhắm đến và thực hiện các thương vụ. Cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, các ngành sản xuất, dịch vụ...được đánh giá còn rất lớn.
Tuy nhiên cạnh tranh trong các ngành này cũng rất mạnh mẽ. Các nhà đầu tư đến sau liệu còn cơ hội tại thị trường Việt Nam?
Giám đốc đầu tư Công ty VinaCapital không nhìn nhận việc sinh lời chỉ phụ thuộc vào một ngành nào riêng lẻ, mà dành chú tâm vào tất cả lĩnh vực mà hơn 100 triệu dân Việt Nam sẽ tiêu tiền vào. Đó là giáo dục, bất động sản, ngân hàng, dược phẩm, bệnh viện,…
“Chúng tôi quan tâm đến tất cả các lĩnh vực mang lại lợi ích cho người dân và thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Vincapital nhìn vào ngành có những thương hiệu và hệ thống phân phối tốt”, ông Andy Ho, giám đốc đầu tư Vinacapital chia sẻ và đưa ra quan điểm nhìn nhận 3 lĩnh vực sẽ tạo đột phá thông qua M&A trong tương lai là y tế (các dự án bệnh viện), hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng bởi “Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất”.
Ông Andy Hồ, giám đốc đầu tư Vinacapital (Ảnh: Lê Toàn). |
Về tiêu chí đầu tư của Quỹ, đại diện này cho biết, họ phải nhìn thấy mức lợi thu được phù hợp với tỷ lệ rủi ro mà Quỹ sẽ phải cam chịu.
“Năm 2005, chúng tôi đầu tư vài trăm nghìn USD nhưng bây giờ phải thu về được hàng triệu USD. Đó là yêu cầu về việc tạo nhiều lợi suất”, ông Andy Hồ nói.
Về đối tác, chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư từ châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Thị trường cũng đang được chứng kiến xu hướng đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc tại một số ngành, lĩnh vực.
* Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research) và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán, sáp nhập (CMAC).