Doanh nghiệp
Giám đốc quỹ 500 Startups: Những việc nên làm để startup ứng phó tác động dịch Covid-19
Thu Phương - 21/03/2020 16:44
Đây là chia sẻ của ông Eddie Thái, Giám đốc quỹ 500 Startups dành cho các startup, với mong muốn giúp các startup có thể thay đổi và thích nghi khi nền kinh tế đang chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19.
Ông Eddie Thái, Giám đốc quỹ 500 Startups Vietnam. 

Theo Giám đốc quỹ 500 Startups, là một startup founder, nếu đánh giá tình hình hiện tại, chắc hẳn có người nghĩ rằng mọi thứ đang rất tồi tệ, và cũng có người nghĩ nó không nghiêm trọng đến vậy.  Dù quan điểm của startup là gì, thì chúng ta không thể phủ nhận rằng nên kinh tế đang chịu nhiều tác động. Cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều cắt giảm chi tiêu. Các nhà đầu tư cũng đang đứng ngồi không yên.

Ông Eddie Thái hy vọng các founder đều nhận ra startup của mình cần thay đổi và thích nghi. Theo ông, giờ là lúc các founder cần phải tinh gọn và linh hoạt hoá để có thể sống sót trước mắt và phát triển dài hạn.

“Để làm được điều này, startup cần phải bình tĩnh và có nhìn nhận đúng đắn về tình hình chung, về doanh nghiệp của mình, và cả chính bản thân mình. Bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần đưa ra những quyết định khó khăn một cách dứt khoát. Nhưng đồng thời, bạn cũng phải hành động một cách nhân văn! Dù thế nào, hãy làm việc với các bên liên quan trên tinh thần thẳng thắn và rõ ràng”, Giám đốc quỹ 500 Startups cho hay.

Chia sẻ cụ thể, Giám đốc quỹ 500 Startups cho rằng trong bối cạnh hiện tại các startup nên chuẩn bị các bước như sau:

Hãy tính cách để có được “đường băng” 18 tháng nhanh nhất có thể

Tại sao lại là 18 tháng? Bởi vì không ai biết được tình hình đại dịch sẽ kéo dài đến bao giờ (có người dự đoán tháng 6, người lại dự đoán phải mất một năm nữa.) Kể cả khi thế giới hồi phục sau đại dịch, bạn sẽ phải cạnh tranh với những ‘kẻ sống sót' khác trong cuộc chiến gọi vốn.

Tiền gửi ngân hàng + doanh thu dự tính (đã điều chỉnh) = M

Lấy M chia cho 18 để ra ngân sách tối đa hàng tháng cho mọi chi phí của công ty trong 18 tháng tới. 

Tiền gửi ngân hàng (cash in bank). Ở trong bối cảnh hiện tại, hãy chỉ tính đúng số tiền bạn có trong tài khoản thay vì tính cả những khoản phải thu (receivables.) Bạn cần phải giả định rằng mình sẽ không thể thu về 100% những khoản phải thu. Nếu bạn còn những khoản như vậy, hãy tập trung tuyệt đối vào việc thu những khoản đó về. Nếu bạn có nhà đầu tư nào chưa giải ngân hết, hãy làm việc với họ ngay. Kể cả khi họ không có tiền cho bạn, thà biết ngay từ bây giờ thay vì chờ đến khi bạn đã cạn tiền.

Doanh thu dự tính (đã điều chỉnh). Đừng cho rằng doanh thu của mình sẽ tiếp tục tăng trưởng đều hay thậm chí là sẽ duy trì ở mức hiện tại. Hãy nhìn vào tập khách hàng của mình và nghĩ thật kĩ xem ai sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cắt giảm chi tiêu (burn) thật mạnh tay

Đây là một việc cực khó khăn và đau đớn, nhưng bạn càng mạnh tay và làm càng sớm bao nhiêu thì cơ hội sống sót cho startup càng cao bấy nhiêu, đồng thời bạn cũng sẽ tránh được đau đớn sau này.  Hãy rà soát cẩn thận tất cả các hạng mục chi phí của công ty như Chi phí nhân sự, hãy trì hoãn việc tuyển thêm người mới, sau đó, hãy tính đến việc cắt giảm đầu người hoặc lương thưởng. Đây là quyết định mang tính đánh đổi. Một là bạn cắt giảm nhân sự, và những người đó sẽ gặp khó khăn.

Nếu bạn làm những việc này, hãy cắt lương thưởng của cả chính mình để làm gương và chia sẻ khó khăn với đồng đội. Dù bạn có làm theo phương án nào, tôi cũng khuyên bạn hãy làm sớm và dứt điểm một lần. 

Về Sales & marketing, hãy có kế hoạch cắt xuống còn một mức % nhất định của doanh thu. Còn về mở rộng sản phẩm/thị trường thì nên trì hoãn hoặc cắt giảm các sản phẩm mới hoặc kế hoạch tấn công các thị trường mới..

Còn văn phòng, nếu có thể, hãy cắt giảm chi phí thuê văn phòng (một số chủ cho thuê có phương án hỗ trợ giảm/miễn phí thuê), hoặc không thì hãy chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng đằng nào thì các công ty cũng đang có chính sách làm việc ở nhà trong vài tuần tới.

Nhìn vào lợi nhuận cận biên (không chỉ nhìn vào doanh thu)

Khi tình hình thuận lợi, các startup chỉ cần nghĩ tới việc tăng doanh thu mà không quan tâm đến chi phí, và các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư. Nhưng khi các nhà đầu tư đang hoảng loạn và bạn vẫn phải tìm đường sống, bạn cần phải tập trung vào lợi nhuận cận biên (contribution).

Nói cách khác, các startup cần phải kiếm đủ doanh thu để ít nhất là trang trải đươc các chi phí liên quan tới việc mang doanh thu về và phục vụ cho các doanh thu đó.

Đối với nhiều doanh nghiệp, một trong những việc họ có thể làm là giữ chân những khách hàng sẵn có.. Trong những lúc khó khăn như hiện nay, đối xử với khách hàng một cách nhân văn vừa có thể giúp đỡ khách hàng và đồng thời cũng làm gia tăng lòng trung thành của họ và mang lại lợi ích dài hạn cho công ty.  Như AirBnb có chính sách hoàn tiền toàn bộ cho khách hàng trên toàn thế giới; Coolmate.me  tặng khẩu trang y tế cho cả những khách hàng mới và cũ; ELSA tặng miễn phí ứng dụng học tiếng Anh tại nhà để giúp người học tiếp tục luyện tập tiếng Anh khi trường học bị đóng cửa….

Tranh thủ tìm vốn khi còn có thể

Các nhà đầu tư đều đang cảnh giác cao độ. Họ sẽ hoàn thành nốt các thương vụ gần xong, nhưng đồng thời họ cũng cảnh giác đề phòng những diễn biến sắp tới và phải tìm cách sống sót giống như startup vậy. Do đó, chiến lược của họ bây giờ là bảo tồn nguồn vốn.

Bản năng của họ sẽ là “thu quân” về để hỗ trợ cho các startup trong danh mục đầu tư hiện tại của họ. Nếu bạn nhận được những hỗ trợ như vậy từ các nhà đầu tư hiện tại của bạn thì rất tốt.

Hãy suy nghĩ thật kĩ xem bạn có nên gọi vốn trong bối cảnh hiện tại không. Gọi vốn có thành công hay không phụ thuộc vào đà tăng trưởng của bạn, xu thế thị trường và nhu cầu từ phía nhà đầu tư. Khả năng thiên thời, địa lợi, nhân hoà -- cả 3 yếu tố trên đều thuận lợi vào lúc này -- là rất thấp.

Trong trường hợp bạn cần vốn gấp, hãy tập trung vào hai nguồn sau đây: Những người trong cuộc (VD: những nhà đầu tư đã đầu tư vào startup của bạn trước đó). Lý do rất đơn giản: tương tự như việc giữ chân khách hàng dễ hơn là tìm và thuyết phục khách hàng mới, thuyết phục các nhà đầu tư hiện tại bỏ thêm tiền vào startup của bạn sẽ dễ hơn thuyết phục các nhà đầu tư mới. Họ hiểu rõ giá trị của startup của bạn, và họ cũng có động lực để giúp bạn sống sót (bởi họ muốn bảo vệ những khoản đầu tư của mình.)

Thư hai là Vay vốn (bao thanh toán và các hình thức cho vay dành cho doanh nghiệp SMEs khác). Hoạt động cho vay vốn có khả năng cũng sẽ giảm đáng kể, và rất nhiều khoản vay sẽ tập trung vào các doanh nghiệp lớn hơn và có lợi nhuận tốt hơn. Mặc dù vậy, đây vẫn là phương án bạn có thể thử. Một số lựa chọn các founder có thể cân nhắc là: Các tổ chức tài chính như ngân hàng và những tổ chức cho vay phi ngân hàng. Các startup fintech như Validus, Funding Societies, Finaxar… Đây là những startup mới thành lập trong vài năm trở lại đây và cung cấp những gói vay cỡ nhỏ cho doanh nghiệp trong vòng 24 giờ.

Không có lời khuyên nào là hoàn hảo cho tất cả các bạn. Tôi cũng không có khả năng hơn người trong việc dự đoán tương lai. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm đã kinh qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi mới bắt đầu sự nghiệp của mình, tôi có thể khẳng định rằng: giữa thời thế hỗn loạn và bất định, những startup tinh gọn và linh hoạt sẽ là những startup có thể vượt qua khó khăn và phát triển.

Tin liên quan
Tin khác