Chuyển động thị trường
Giảm lãi suất là “liều thuốc bổ”, song doanh nghiệp bất động sản cần nhiều hơn thế
Việt Dũng - 31/07/2021 08:26
Nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu. Song, bên cạnh việc giảm lãi suất, cần có giải pháp đồng bộ.
Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp địa ốc vượt qua khó khăn.

 Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi sự đồng lòng của các ngân hàng thương mại đối với  doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều ngân hàng đã hưởng ứng.

Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của toàn hệ thống đã tuyên bố giảm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) giảm lãi suất tiền vay 1% cho doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng còn lại.

Sự đồng thuận của ngân hàng trong việc giảm lãi suất cho vay được ví như “liều thuốc bổ” cho doanh nghiệp nói chung, bất động sản nói riêng. Song, mức lãi suất hiện nay vẫn cao so với sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Với khách hàng cá nhân, VCB giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; giảm lãi suất 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm lãi suất cho vay bình quân 1% với dư nợ hiện hữu, một số nhóm khách hàng khó khăn sẽ được giảm tối đa 2% so với lãi suất hiện hành. Trong 6 tháng cuối năm 2021, BIDV dự kiến tiếp tục hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 với tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 3.600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố giảm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng vay vốn bằng VND. Ước tính, Agribank sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng từ nay đến hết ngày 31/12/2021. Ngân hàng này cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực khác như cơ cấu lại nợ gốc và lãi, miễn phí chuyển tiền trong nước.

Trước đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định giảm 4.000 tỷ đồng tiền lãi, 6 tháng đầu năm giảm 2.100 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng sẽ chủ động giảm lãi suất trên hệ thống. Người vay không cần phải làm bất cứ đề xuất, thủ tục nào. Đồng thời, Vietcombank tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng cả năm 2021 lên đến 6.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng công bố giảm lãi suất như Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Quân đội, TPBank… Mức giảm 0,8-1,2% tùy từng đối tượng khách hàng và tùy chính sách của từng ngân hàng.

Mong muốn có giải pháp đồng bộ

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là cuộc chiến mang tính sống còn, các doanh nghiệp bất động sản luôn trong tâm thế nén lại, chuẩn bị và chờ đợi cơ hội bật dậy, tăng tốc. Việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, đã giúp không nhỏ cho doanh nghiệp duy trì qua đại dịch để có cơ hội phục hồi. Theo các chuyên gia, ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp là giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả lâu dài.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đức Linh (Đức Linh Real) cho biết, sự đồng thuận của ngân hàng trong việc giảm lãi suất cho vay được ví như “liều thuốc bổ” cho doanh nghiệp trong cơn bạo bệnh. Song, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, mức lãi suất hiện nay vẫn cao so với sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh thanh khoản đứt đoạn, không có doanh thu nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương cho lao động…

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết, dù dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn, nhất là khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại khá tốt, nhưng việc giảm mạnh lãi suất cho vay không dễ. Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và việc này phải có sự đồng thuận của cổ đông. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cũng phải dành nguồn lực tài chính để dự phòng rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.

“Việc giảm lãi suất nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, cá nhân trong lúc này là cần thiết, nhưng bản thân các ngân hàng phải ưu tiên hàng đầu cho sự an toàn của hệ thống. Do đó, khó kỳ vọng về một làn sóng giảm sâu lãi suất cho vay”, vị này chia sẻ.

Dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và phát triển DKRA Vietnam cho rằng, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng chưa thực sự tác động đến thị trường bất động sản. Bởi trong nội dung đề xuất của lãnh đạo ngân hàng vừa qua chưa đề xuất cụ thể cho doanh nghiệp bất động sản. Một số doanh nghiệp bất động sản có vay vốn ngân hàng chỉ có thể trông đợi được gia hạn, giãn tiến độ.

Theo ông Hoàng, thời điểm hiện nay ngoài vấn đề thị trường, thì các vấn đề về thuế, tài chính cũng gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp bất động sản.

“Do vậy, ngoài việc xem xét giảm bớt lãi suất, các biện pháp như hoãn nợ, giãn nợ, giãn tiến độ… sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp ở thời điểm này. Bên cạnh đó, các vấn đề về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như tiền thuế, tiền sử dụng đất cũng cần được xem xét miễn giảm”, ông Hoàng đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác