Nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài chính sách tiền tệ, cần giãn và giảm thêm thuế. |
Giảm lãi suất là chưa đủ
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành đã phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ về việc hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các ngân hàng cũng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, như HDBank giảm lãi suất cho cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ vay và đưa ra gói 10.000 tỷ đồng bình ổn thị trường; Nam A Bank giảm 0,5% lãi suất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Báo cáo nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới đây đánh giá, ngành ngân hàng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn từ dịch Covid-19 đang lan rộng toàn thế giới. Vì thế, mối lo ngại là tín dụng tăng trưởng chậm lại và gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Còn theo nhận định của chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, tín dụng chỉ tăng 0,1% tính đến đầu tháng 3/2020 chứng tỏ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất thấp, chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch. Hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, thậm chí tạm dừng hoạt động, nên không có nhu cầu vay vốn. Do vậy, ngân hàng đã giảm lãi vay 1 - 1,5%/năm, có những gói ưu đãi hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không vay, bởi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.
Theo dự báo của ông Lực, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục gặp khó trong những tháng tiếp theo bởi dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng.
Nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài chính sách tiền tệ, cần giãn và giảm thêm thuế.
Cần giãn và giảm thuế
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 hiện nay, có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về thuế, phí. Có thể giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống mức 15 - 17%. Cùng với đó, rà soát ngay các điểm nghẽn, nhất là về thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ kịp thời.
Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chống trì trệ trong phát triển; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch.
Theo ông Lịch, dư địa cho chính sách tín dụng tiền tệ không nhiều, nên Chính phủ đang tập trung vào chính sách tài khóa. Muốn tăng trưởng tín dụng cao cũng không dễ cho các ngân hàng. Trước mắt, các ngân hàng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, nên nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều. Theo ông Hiếu, khó khăn hiện tại không phải là vấn đề của thị trường tiền tệ, mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ. Thị trường tiền tệ chỉ đóng góp, hỗ trợ một phần để nền kinh tế vượt qua khó khăn, chứ không thể giải quyết được vấn đề, vì tất cả chuỗi cung ứng toàn cầu đều đang chậm lại vì dịch.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngân hàng, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn. Tính đến ngày 4/3, dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,1%, thấp hơn mức 0,85% của cùng kỳ năm 2019. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 926.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ.
Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề như xi măng, da giày, giáo dục… Ngành ngân hàng đã sớm đưa ra gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, bình luận về gói vay 285.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, một chuyên gia tài chính cho rằng, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, nên nhu cầu vay vốn trên thị trường không lớn.