Trong bối cảnh lạm phát thấp, thanh khoản ngân hàng khá dồi dào, tỷ giá ổn định, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm… thì quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là hợp lý cho dù mức giảm còn thận trọng. Quyết định của NHNN còn giúp các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay.
Hiện tại, mức giảm lãi suất của các ngân hàng phổ biến trong khoảng 0,5-1%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu. Dù NHNN chỉ giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên từ 7%/năm, xuống 6,5%/năm, song điểm đáng chú ý là nhiều ngân hàng đã mạnh dạn giảm sâu xuống 6%/năm, thậm chí giảm lãi cho một số đối tượng không thuộc lĩnh vực ưu tiên.
. |
Thường thì phải sau thời gian nhất định kể từ khi NHNN giảm lãi suất điều hành, lãi suất trên thị trường mới có thể giảm theo. Tuy nhiên, việc hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay ra từ ngày 10/7/2017 - thời điểm giá vốn vẫn chưa giảm đã cho thấy sự hưởng ứng của ngành ngân hàng với chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, đồng thời thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, khách hàng.
Với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện khoảng 6 triệu tỷ đồng, trong đó, cho vay lĩnh vực ưu tiên khoảng 40% thì với mức giảm lãi suất 0.5-1% của ngân hàng, doanh nghiệp đã được giảm cả chục ngàn tỷ đồng tiền lãi.
Có thể nói, việc NHNN giảm lãi suất điều hành và ngân hàng giảm lãi suất cho vay không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tiền lãi, mà còn tác động tích cực tới sản xuất, kinh doanh bởi doanh nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô do giá vốn đầu vào rẻ hơn.
Song nhìn từ khía cạnh khác, việc giảm lãi suất này chỉ có ý nghĩa nếu nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Bên cạnh đó, dễ nhận thấy là từ đầu tuần đến nay, trong khi ngân hàng rầm rộ giảm lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên, thì lãi suất huy động không thay đổi. Nguồn huy động vốn của các ngân hàng hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường 1 (dân cư), nên nếu lãi suất huy động không giảm, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm sâu và khó giảm trên diện rộng.
Ở góc nhìn khác, quyết định giảm lãi suất cũng đồng nghĩa các ngân hàng phải chấp nhận hao hụt hàng chục ngàn tỷ đồng lợi nhuận. Do đó, dù giảm lãi suất là sự sẻ chia cần thiết, nhưng trong bối cảnh tài chính ngân hàng chưa thực sự lành mạnh, áp lực xử lý nợ xấu còn lớn, nếu không có thêm giải pháp đồng bộ, đặc biệt là xử lý nợ xấu, thì việc giảm lãi suất sẽ khó bền vững.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng không thể đòi hỏi lãi suất hạ một cách đại trà, bởi vốn là một mặt hàng và giá vốn cao hay thấp tùy thuộc vào độ rủi ro của doanh nghiệp. Chính vì vậy, muốn tiếp cận vốn với lãi suất thấp, ngoài việc có chiến lược kinh doanh tốt, tình hình tài chính lành mạnh, doanh nghiệp còn phải tăng mức độ minh bạch, chấp nhận cho ngân hàng quản lý dòng tiền.
Với nền kinh tế, quyết định giảm lãi suất điều hành cho thấy NHNN đang phát đi tín hiệu nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, khi tín dụng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, với tốc độ khoảng 8% - mức cao nhất trong nhiều năm qua, thì NHNN cần phải quan tâm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng bởi việc cung tiền ồ ạt trong bối cảnh sản hoạt động xuất kinh doanh phục hồi chậm, chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ lên lạm phát và tỷ giá.