Ngân hàng rục rịch hạ lãi
Cuối tuần qua, NHNN đã công bố giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm 0,25%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm 0,5%/năm (giảm từ 7% xuống còn 6,5%). Các quyết định trên có hiệu lực từ hôm nay (10/7).
Mặt bằng lãi suất ngân hàng được dự báo giảm 0,25 - 0,5% trong những tháng tới. Ảnh: Chí Cường |
Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN giảm lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất của NHNN nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài ủng hộ chủ trương của Chính phủ, việc giảm lãi suất của NHNN cũng phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay.
“Lạm phát ổn định, áp lực lên lãi suất và tỷ giá không nhiều chính là cơ sở để có thể giảm lãi suất cho vay và hướng dòng tín dụng vào sản xuất”, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, bắt đầu từ tuần này, họ sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên, đồng thời giảm thêm lãi suất huy động để thực hiện chủ trương chung của Chính phủ.
Doanh nghiệp mong lãi suất về 4 - 7%/năm
Theo ông Hà Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Long (Khu công nghiệp Nam Từ Liêm, Hà Nội), doanh nghiệp (DN) này đang phải vay lãi suất ngắn hạn là 9%, dài hạn là 12%. Vì vậy, ông Thắng kỳ vọng lãi suất giảm để giảm gánh nặng tài chính cho DN.
“Nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào đang tăng giá, nhưng DN không dám tăng giá sản phẩm vì sợ mất khách. Do đó, lãi suất giảm sẽ giúp DN tiết giảm chi phí, có điều kiện để giữ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh”, ông Thắng nói.
Chủ một DN khác - ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Công nông nghiệp Tiến Nông - thậm chí còn mong muốn lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, có thể giảm xuống 3,5 - 4%/năm. Đây là mức lãi suất phù hợp với khả năng sinh lời thấp, chi phí đầu tư cao của các DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý nhà nước, đây là mức lãi suất không khả thi, do chi phí hoạt động của ngân hàng Việt Nam còn lớn, đặc biệt là lãi suất tiết kiệm vẫn phải duy trì ở mức hợp lý thì mới huy động được tiền gửi.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng DN và sẵn sàng chia sẻ với DN. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay chủ yếu do các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Để có lãi suất cho vay ưu đãi như hiện nay, các ngân hàng đã phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động.
Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho biết, khi cho vay nông nghiệp với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 0,5% - 1,5%/năm, thì các ngân hàng đã phải giảm hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận. Vì vậy, lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động như hiện nay là không khả thi.
Các chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất có thể giảm nhiệt thêm nữa vào năm 2018, khi Nghị quyết xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống, đồng thời lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp, tỷ giá ổn định. Với bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất trên thị trường những tháng cuối năm chỉ có thể giảm ở mức 0,25 - 0,5%.
Theo TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), khả năng lãi suất giảm mạnh là rất khó vì lạm phát ở nước ta khó giảm sâu, áp lực đối với tỷ giá còn lớn (nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất)…
Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, dù lãi suất hạ nhiệt, ngân hàng cũng không nên ồ ạt bơm vốn vào nền kinh tế, ngay cả khi chịu áp lực tăng trưởng, bởi khi đó, ngân hàng có thể sẽ dẫm vào vết xe đổ từng xảy ra trước đây.