Chính phủ vừa có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện các giải pháp để hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Đây là nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 164/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa được ban hành.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Hiện lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 3%.
Đồng thời, NHNN cũng được yêu cầu điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Ngoài ra, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất ưu đãi và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Đồng thời, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chính phủ cũng yêu cầu NHNN giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, có giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã giảm 1-3% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được cho là sẽ giảm mạnh trong các tháng tiếp theo, cho dù đã giảm thời gian qua.
Các chuyên gia kinh tế - tài chính kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa trong những tháng cuối năm nay, nhờ chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhanh do: tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN và Thông tư 02 được ban hành cho phép NHTM giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
Dự báo lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-1,5% trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư.
Tổng giám đốc ACB ông Từ Tiến Phát có sự tự tin rằng, lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp trong thời gian từ nay đến cuối năm và ở bình diện chung toàn hệ thống, chứ không riêng lẻ từng ngân hàng, nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng.
Đồng thời, tốc độ giảm lãi suất sẽ ngày càng nhanh hơn, có thể cuối năm lãi suất cho vay sẽ quay về đúng thời điểm Covid-19. Tại ACB cũng đang cho vay với mức lãi suất cho vay ngang bằng với giai đoạn Covid-19.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho rằng, khả năng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ còn giảm thêm trong thời gian tới, nhưng mức giảm sẽ không còn nhiều so với các tháng trước. Vì hiện lãi suất cho vay đã gần bằng với thời kỳ Covid-19.
Theo ông Tùng, lãi suất huy động ở mức thấp sẽ tạo thành sự hỗ trợ bền vững cho việc giảm lãi suất cho vay, không như trước đây việc giảm lãi suất là theo sự kêu gọi và sự nỗ lực của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, chỉ khi nào thanh khoản của các ngân hàng dồi dào và lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay mới có thể giảm bền vững được. Hay nói cách khác chỉ khi nào thanh khoản nền kinh tế dồi dào, ngân hàng mới cung ứng vốn cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu tình trạng “thừa” tiền trong ngân hàng tiếp tục kéo dài, cầu vốn của doanh nghiệp không có thì lãi suất khả năng sẽ giảm thêm, nhất là với lãi suất cho vay.
Nhưng thực tế hiện nay cũng cho thấy, cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao khi đầu ra sản phẩm không có do sức tiêu thụ của thị trường yếu nên tín dụng khó tăng cao, do đó giảm lãi suất cho vay cũng chỉ mới là một khía cạnh để kích cầu tín dụng.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2023 do NHNN thực hiện, các TCTD kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm từ 0,26 - 0,35% trong quý cuối cùng của năm.
Trong lần khảo sát trước, các TCTD từng dự báo lãi suất trong quý III sẽ giảm từ 0,31 đến 0,41%. Như vậy, tốc độ giảm của lãi suất được kỳ vọng sẽ chậm lại vào những tháng cuối năm.
Lãi suất huy động trung bình tại các nhóm ngân hàng kỳ hạn đang dưới 6%/năm, trong khi lãi suất cho vay là 8%/năm, theo báo cáo của NHNN.
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, các TCTD nhận định rằng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Mức kỳ vọng này thấp hơn 0,2% so với kết quả trong kỳ điều tra quý III.