Phiên họp cho ý kiến hai dự án vành đai của Uỷ ban Thường vụ Quôc hội. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giãn tiến độ 1 năm Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.
Đây là thông tin tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, vừa được Tổng thư ký Quốc hội thông báo.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án này tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, để bảo đảm các Dự án trình Quốc hội đạt được sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hồ sơ các Dự án phải thể hiện rõ cơ quan trình Quốc hội là Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về nội dung. Các bộ, ngành, địa phương theo phân công chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là 2 dự án rất quan trọng và nằm trong tổng thể xem xét các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán vốn... bảo đảm tuân thủ khung của chính sách đã đề ra trong 5 năm.
Trên cơ sở xem xét tính cấp bách của các Dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất triển khai, thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2026, quyết toán năm 2027.
Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội nghiên cứu giãn tiến độ 1 năm, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027, để bảo đảm tính khả thi và cân đối, bố trí phần vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách khác, tránh trường hợp tập trung bố trí vốn quá nhiều vào một dự án nhưng không bảo đảm tiến độ triển khai, giải ngân, trong khi những dự án khác có thể triển khai, giải ngân ngay nhưng lại không có nguồn vốn để thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn, thông báo nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, việc triển khai thực hiện đồng thời nhiều dự án đường cao tốc, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn nhu cầu về nguyên vật liệu, nhà thầu, máy móc thiết bị... sẽ khó bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... và làm rõ giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai và cam kết trước Quốc hội về tiến độ, chất lượng của các Dự án.
Tổng thư ký Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư 2 dự án. Đối với Dự án đầu tư đường Vành đai 4 có thêm nguồn vốn PPP tham gia và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành, địa phương liên quan, trong đó cần cụ thể hóa trách nhiệm “đầu mối” của Thành phố Hà Nội và TP.HCM. Các địa phương tham gia đầu tư các dự án này cần cam kết bố trí vốn cho các dự án nằm trong khuôn khổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương.
Theo đó, đề nghị các địa phương khẩn trương bổ sung vào hồ sơ các dự án này nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố về các nội dung tổng số vốn bố trí, tiến độ giải ngân, phân kỳ theo từng năm và cam kết bố trí phần tăng thêm trong trường hợp phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của các dự án này. Các địa phương cần cam kết, chịu trách nhiệm trước Chính phủ,
"Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội các cam kết này của các địa phương. Trường hợp chưa bảo đảm đầy đủ hồ sơ các Dự án sẽ không đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định", Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho các dự án này, tuy nhiên đề nghị Chính phủ căn cứ ý kiến của cơ quan thẩm tra rà soát các cơ chế đặc thù một cách hợp lý. Đồng thời thống nhất với đề xuất điều chuyển số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công;
Đối với đề xuất cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 và đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư các dự án này giai đoạn 2024 - 2025, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện theo quy định pháp luật.
Tương tự, đối với đề xuất chỉ định thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp cần thiết chỉ áp dụng chỉ định thầu đối với một số gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 - 2023).
Đối với đề xuất cho phép khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông (Dự án Vành đai 3 TP.HCM), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết và đánh giá tác động của các đề xuất này, trong đó cần có chính sách hợp lý để không ảnh hướng đến môi trường và không tác động các đến vấn đề sạt lở bờ sông.