Doanh nhân
Giang Thiên Phú, sáng lập, kiêm CEO Công ty Callio: Khởi nghiệp là một lựa chọn sống
Anh Hoa - 19/05/2022 09:57
Giang Thiên Phú quyết định khởi nghiệp để có cuộc sống tốt đẹp hơn, sống theo đúng đam mê.
Giang Thiên Phú, sáng lập, kiêm CEO Công ty Callio

Tìm bài toán tăng trưởng bằng công nghệ

Bên cạnh những giám đốc công nghệ nổi bật thuộc thế hệ 7x, nhiều lãnh đạo công nghệ trẻ thuộc thế hệ kế cận cũng đang có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển và định hình doanh nghiệp thời đại mới. Giang Thiên Phú là một trong số đó. Anh tìm ra bài toán tăng trưởng bằng công nghệ, mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của công ty mình.

Giải pháp tổng đài thông minh tích hợp CRM (quản lý quan hệ khách hàng) của Callio ra đời 2 năm trước, khi Covid -19 bùng phát.

“Trong khi các start-up tương tự thường mất 1-3 năm để đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng, thì chúng tôi có tốc độ phát triển rất nhanh và xây dựng sản phẩm chỉ trong 2 tháng, có ngay 100 khách hàng lớn trả phí sau 6 tháng và có lãi sau 2 năm hoạt động”, Giang Thiên Phú chia sẻ.

Với tôi, start-up không phải mục tiêu, mà là một lựa chọn sống. Không cần phải đợi Công ty của mình được 5 - 10 năm, có kết quả, tôi mới vui vẻ, mà ngay hiện giờ, được thay đổi Công ty hàng ngày, giúp đỡ anh em trong Công ty phát triển, tạo ra sản phẩm cho khách hàng… là hạnh phúc của tôi.

Đáng chú ý, Callio gọi vốn thành công ngay từ năm hoạt động đầu tiên. Với khoản rót vốn định giá lên tới 6 con số (USD) của Chủ tịch Quỹ đầu tư VIC Partners Đinh Viết Hùng, Callio được cho là có sự sáng tạo và tính khả thi cao, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp khi chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0. Mục tiêu của Callio là trở thành đơn vị công nghệ cung cấp nền tảng CRM và tổng đài ảo cho doanh nghiệp số 1 tại Đông Nam Á.

Theo Phú, Callio được xác định ngay từ đầu là công ty công nghệ. Vì vậy, mọi vấn đề tại Công ty đều được ưu tiên giải quyết bằng công nghệ và giảm công việc tay chân. Nhờ vậy, chỉ với hơn 20 nhân sự, Callio có thể đáp ứng hàng chục ngàn khách hàng.

Ý tưởng thành lập Callio ra đời sau nhiều năm Phú làm việc tại các start-up, công ty, tập đoàn lớn. Trong quá trình làm việc, Phú luôn tìm kiếm giải pháp quản lý tập trung toàn bộ kênh giao tiếp và thông tin khách hàng trên một phần mềm, mà không có giải pháp nào vừa ý. “Callio là giải pháp giải quyết vấn đề đó, được xây dựng dựa trên trải nghiệm thực tế làm quản lý ở nhiều môi trường doanh nghiệp”, Phú nói.

Ra đời trong bối cảnh đại dịch, Phú cũng phải gồng mình lèo lái start-up của mình vượt sóng gió. Tháng 7/2021, khi dịch bệnh căng thẳng nhất, Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố khác bị phong tỏa, kéo theo 20% khách hàng của Callio ngừng hoạt động, doanh thu sụt giảm tới 30% trong hơn 3 tháng. Phú phải tiết kiệm mọi chi phí, trong điều kiện làm việc đối mặt thách thức lớn hơn, như làm việc, quản lý từ xa.

“Chúng tôi đã vượt qua khủng hoảng, nhưng nhân sự chỉ còn khoảng 1/3”, Phú cho hay.

Thay đổi để tồn tại

Trước khi thành công với Callio, Phú từng khởi nghiệp thất bại ngay từ khi mới tốt nghiệp cấp 3. Tiếp tục khởi nghiệp lần 2 vào năm 2011 và rồi cũng thất bại.

Từ năm 2012, Phú làm nhiều công việc khác nhau, từ dạy lập trình, làm tại nhiều công ty khởi nghiệp và công ty, tập đoàn lớn để học hỏi. Tới năm 2017, anh tiếp tục khởi nghiệp và lại thất bại. Liên tục cố gắng cho tới nay mới có được một công ty khởi nghiệp có thể tự tồn tại được.

Các mô hình kinh doanh không rõ ràng, quyết khởi nghiệp và chọn mô hình kinh doanh vì sở thích cá nhân nhiều hơn là những lý do khiến Phú thất bại. Sau này, khi có gia đình riêng, có con nhỏ, Phú buộc phải thay đổi, suy nghĩ nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, kỷ luật hơn, nên khởi nghiệp lần này mới có thể tồn tại được.

Theo Phú, lãnh đạo công ty công nghệ phải hiểu và giỏi về công nghệ. Tiếp theo là khả năng phát hiện và khơi dậy tiềm năng của nhân sự giỏi. Khả năng truyền cảm hứng và tổ chức đội ngũ cũng cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, cần không ngừng học, cầu thị, quyết đoán, kiên trì, bình tĩnh, lạc quan.

Ngược lại, kiểm soát quá chi li từng chi tiết nhỏ, vô tổ chức, chỉ trích thái quá, thiếu kiên nhẫn... là những điểm hạn chế của các ông chủ tại các công ty công nghệ. Phú đều thấy bóng dáng của mình trong các yếu tố đó. Nhưng Phú cho rằng, các điểm hạn chế đó cũng có tính hai mặt.

Chẳng hạn, lãnh đạo kiểm soát quá chi li từng chi tiết nhỏ là không tốt, nhưng cần tập trung cao độ và làm chi tiết các việc quan trọng. Vô tổ chức là không tốt, nhưng môi trường công ty công nghệ cần sự linh hoạt và thoải mái nhất định. Cần thưởng phạt phân minh và sát sao với nhân viên, nhưng hạn chế chỉ trích công khai và không nên chỉ trích nhắm vào cá nhân. Thiếu kiên nhẫn là biểu hiện của trách nhiệm công việc và stress, chúng ta cần cân bằng cuộc sống, suy nghĩ tích cực và kiên nhẫn với con đường mình chọn.

Với vai trò giám đốc công nghệ và sáng lập, điều hành start-up, Phú đang sống cuộc sống cân bằng giữa công việc, gia đình và sở thích cá nhân. Là người thích trải nghiệm nhiều thử thách, nên Phú không cảm thấy phải đánh đổi điều gì.

Phú luôn nỗ lực hoàn thiện, từ văn hóa, tác phong, lộ trình đào tạo để giữ chân và phát huy tối đa năng lực của nhân sự. Phú luôn khuyến khích các đồng nghiệp giữ tinh thần lạc quan. Tuy nhiên, Phú chỉ có thể khuyến khích và tạo điều kiện, chứ không thể thay đổi ai, vì đây là chuyện cá nhân mỗi người. “Tôi ưu tiên chọn những cá nhân phù hợp, hơn là cố gắng thay đổi người khác”, Phú chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác