Tài chính - Chứng khoán
Giao dịch ảm đạm, VN-Index tiếp tục giảm điểm
Tùng Linh - 24/01/2024 17:41
Thiếu lực đỡ từ nhiều cổ phiếu trụ cột trong khi áp lực từ đa số các nhóm ngành tương đối lớn khiến VN-Index tiếp tục đi xuống.
VN-Index tiếp tục giảm điểm trước sự giao dịch thận trọng ở cả bên mua và bên bán - Ảnh: Dũng Minh

Trước những sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư, trạng thái rung lắc nhẹ đã diễn ra ngay từ khi mở cửa ở đầu phiên 24/1 sau khi đã có những sự điều chỉnh nhất định từ mức đỉnh tạm thời tại 1.186,96 điểm. Trạng thái rung lắc, giằng co diễn ra xuyên suốt cả phiên giao dịch với sự thận trọng ở cả bên mua và bên bán.

Thanh khoản thị trường dù có cải thiện trong phiên chiều nhưng nhìn tổng thế cả phiên vẫn chỉ ở mức thấp. Đa số các nhóm ngành cổ phiếu trong phiên hôm nay đều có sự phân hóa và biên độ dao động không quá lớn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay gây áp lực lớn lên thị trường chung. Trong đó, TPB giảm 1,6%, BID giảm 1%, ACB giảm 1%, CTG giảm 0,6%, TCB giảm 0,6%... BID là cổ phiếu gây áp lực mạnh nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,7 điểm. VCB cũng lấy đi 0,55 điểm khi giảm 0,4%....

Chiều ngược lại, một số mã ngân hàng còn giao dịch tích cực gồm STB, SHB, HDB… Tuy nhiên, mức tăng của các mã này đều không quá mạnh. STB và SHB chỉ tăng 0,8%, HDB tăng 0,7%.

Trong nhóm VN30, MWG và MSN là hai mã có biến động khá tiêu cực khi giảm sâu với thanh khoản duy trì ở mức trên trung bình, trong đó, MWG giảm 2,2% còn MSN giảm 1,9%. MWG khớp lệnh 9,7 triệu cổ phiếu còn MSN khớp lệnh 2,4 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu Chứng khoán SHC (HCM) tiến sát mức trần và trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index



Sự chú ý trong phiên này được tập trung ở nhóm chứng khoán. Khá nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này biến động tích cực trong phiên sáng. Tuy nhiên, trước việc dòng tiền còn yếu và bên bán mất kiên nhẫn cũng khiến nhóm chứng khoán có sự chững lại. HCM là tâm điểm khi là động lực chính giúp nhiều cổ phiếu chứng khoán khác đi lên. HCM tăng 4,4% lên 26.200 đồng/cp, có thời điểm trong phiên HCM được kéo lên sát mức giá trần. Khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này vọt lên 19 triệu đơn vị. Trong khi đó, các mã như VND, VCI, SSI… cũng đều có chỉ duy trì được mức tăng giá nhẹ.

Nhóm Cảng và Vận tải biển cũng khởi sắc hơn mặt bằng chung. Một vài mã đại diện như PVT (tăng 0,8%), GMD (0,1%), VTO (1%) nhích nhẹ.

Dù thị trường biến động có phần thận trọng nhưng vẫn ghi nhận một số mã vốn hóa nhỏ bứt phá như LDG, QNP, FIR, FID… đều được kéo lên mức giá trần.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,53 điểm (-0,38%) xuống 1.172,97 điểm. Toàn sàn có 167 mã tăng, 297 mã giảm và 103 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,32%) xuống 228,53 điểm. Toàn sàn có 66 mã tăng, 90 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,22%) lên 87,64 điểm.

Giao dịch trên thị trường còn khá trầm lắng với thanh khoản khớp lệnh ổn định quanh mức 13.300 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE. Cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất là SHB với 50 triệu đơn vị. SSI và STB khớp lệnh lần lượt 27 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Khối ngoại kéo dài chuỗi mua ròng

Khối ngoại nối dài chuỗi mua ròng sang phiên thứ 10 liên tiếp với giá trị 86 tỷ đồng, tập trung tại SSI là 119 tỷ đồng. Tiếp đến, EIB và HPG được mua ròng lần lượt 79 tỷ đồng và 78 tỷ đồng. Ngược lại, MWG bị bán ròng mạnh nhất với 63 tỷ đồng. TPB và VNM bị bán ròng lần lượt 57 tỷ đồng và 52 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác