Thời sự
Giáo dục đừng dàn hàng ngang mà tiến
Hải Hà - 11/06/2015 14:09
Đổi mới giáo dục là một trong những nội dung sẽ được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vào cuối tuần này. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS - TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam cho rằng, đổi mới giáo dục phải mang tính hệ thống.

Vừa qua, ngành giáo dục đã đưa ra hàng loạt giải pháp như đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia... Theo ông, những động thái này có làm thay đổi cơ bản chất lượng giáo dục?

Phương pháp của các nước tiên tiến là thầy giáo nêu vấn đề và đưa ra kết luận sau khi học sinh thảo luận. Vai trò của học sinh là thảo luận và trả lời vấn đề thông qua tận dụng mạng lưới công nghệ thông tin để tìm hiểu nội dung vấn đề. Cách dạy này khiến học sinh có ý thức và hứng thú học. Trong khi đó tại Việt Nam, cách thày dạy, trò chép không khuyến khích học sinh tư duy năng động. Phương pháp này đã được manh nha thay đổi bắt đầu từ kỳ thi THPT quốc gia với những đề thi theo hướng mở. Tuy nhiên, để đạt chất lượng, việc thay đổi phải bắt đầu từ gốc là phương pháp dạy.

 

Theo tôi, trong khi lẽ ra nên thay đổi phương pháp đào tạo, thì Bộ GD&ĐT lại loay hoay làm chương trình, sách giáo khoa. Sách giáo khoa hiện không lạc hậu, nhưng thiếu cách trình bày. Chúng ta không nhất thiết phải đầu tư 800 tỷ đồng để đổi mới chương trình sách giáo khoa vì việc này gây lãng phí mà hiệu quả không biết thế nào.

Tôi cho rằng, nếu “Việt Nam hóa” sách giáo khoa ngoại ngữ và tự nhiên của các nước tiên tiến thì vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa đáp ứng được nhu cầu. Chúng ta chỉ nên làm sách văn học, đạo đức, sử, địa… Những sách này đã có “bột” nghĩa là đã có nội dung, chỉ cần bổ sung thêm và thay đổi hình thức.

Theo ông, điều quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là gì?

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đầu tiên phải đổi mới hệ thống. Tuy nhiên, hệ thống hiện tại vẫn giữ nguyên như trước khi học sinh học hết hệ phổ thông, lên đại học, cao đẳng không có phân hóa trường, không có đào tạo dài hạn, ngắn hạn. Đây là cách làm dàn hàng ngang mà tiến.

Chúng ta chỉ nên phổ cập đến bậc học THCS, bậc học THPT nên có sự phân hóa đào tạo nhân tài, nghiên cứu và dạy nghề rồi tiếp đến dạy nghề ngắn hạn.

Đầu tư cho giáo dục có chất lượng đòi hỏi phải có nguồn  tài chính lớn. Vấn đề này nên được giải quyết thế nào khi nguồn lực cho giáo dục vẫn khá nan giải?

Thời điểm năm 1989, tư nhân không được đưa vào hệ thống giáo dục. Tư tưởng đó đi ngược lại xu thế.

Tại thời điểm trên, nguồn lực tài chính không đủ lực đã dẫn tới giáo dục mầm non như đứng bên bờ vực thẳm khi số học sinh giảm từ 3 triệu xuống 1,1-1,2 triệu. Do đó, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn. Việt Nam đã có chủ trương này, nhưng hệ thống các trường ngoài công lập vẫn chưa có môi trường phát triển.

Hiện cả nước có khoảng 500 trường đại học, cao đẳng, song chỉ có trên 90 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Con số chưa đến 20% số trường ngoài công lập này khác xa với tỷ lệ của Nhật Bản là 80%. Với nguồn lực nhỏ, Nhà nước cần làm là tạo “mồi câu” để phát triển xã hội hóa. Trường nào không tự chủ được nên cho nghỉ.

Singapore là điển hình của việc xã hội hóa giáo dục khi nước này cho chủ đầu tư vay vốn, cho không đất, thậm chí xây trường cho tư nhân quản lý. Quốc gia này có riêng chính sách cấp học bổng và cho vay với  học sinh nghèo. 

Việt Nam đã áp dụng cho vay với học sinh nghèo, nhưng việc những học sinh khác vẫn được hưởng trợ cấp đã làm yếu nền giáo dục, không tạo động lực cho các trường tư phát triển. Trong khi đó, dù đã có chủ trương, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa được tạo điều kiện về thuế hay cung cấp đất sạch, cho vay vốn…

Trong phát triển hệ thống giáo dục, thì vai trò của cơ quan quản lý giáo dục được đánh giá thế nào?

Theo tôi, cơ quan quản lý giáo dục chỉ nên quản lý về mặt tổng thể, còn lại giao tự chủ cho các trường, các địa phương quản lý.

Lấy ví dụ về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT không nên phân ra 2 cụm: cụm thi dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT và cụm thi dành cho thí sinh có xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong khi Sở GD&ĐT các tỉnh là đơn vị quản lý chất lượng giáo dục của địa phương, thì việc giao cụm thi dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT cho sở dẫn tới chỉ 20% số cụm thi là do các sở quản lý.  

Bộ cũng không nên quản lý quá chi tiết, mà chỉ nên thống nhất ra đề, đưa khung điểm chuẩn, tổ chức chấm chéo… để các trường, địa phương căn cứ vào đó lấy từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu. Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm.

Mặc dù có xã hội hóa, nhưng về vĩ mô, các cơ quan quản lý giáo dục hiện vẫn còn tư tưởng bao cấp nặng nề. Bộ GD&ĐT vẫn chưa đủ tự tin giao cho các trường tự chủ theo đúng nghĩa, mà quản lý theo kiểu ôm việc. Thực trạng này khiến nguồn lực cho giáo dục đã ít lại dàn trải, dẫn tới cả hệ thống trở nên trì trệ.

Tin liên quan
Tin khác