Thời sự
Giao lưu văn hóa quốc tế qua “Đại lộ di sản”
Hải Hà - 07/05/2019 19:37
Chiều nay, 7/5, tại Hà Nội, Đài truyền hình Việt Nam đã chính thức ra mắt chương trình “Đại lộ di sản” với kỳ vọng sẽ là điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.
Ban tổ chức dự án "Đại lộ di sản" đặt kỳ vọng số đầu tiên có thể thu hút được nhiều sự chú ý của khán giả trong nước và quốc tế đến văn hóa Việt Nam qua việc tổ chức đúng dịp Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc.

Theo đó, đây là một dự án nghệ thuật được xây dựng với mục tiêu giới thiệu đến khán giả những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam cũng như quốc tế.

Với cách tiếp cận mới thông qua hình thức nghệ thuật tổ chức thường niên, quy mô lớn cùng sự tham gia của các đoàn nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế, chương trình này được kỳ vọng sẽ giúp khán giả có thêm cơ hội khám phá nhiều di sản văn hóa trong nước và quốc tế, từ đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ di sản và các giá trị văn hóa của dân tộc.

Số đầu tiên của chương trình này sẽ được thực hiện trong chuỗi các sự kiện của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) tại khu du lịch Tam Chúc - Hà Nam.

Theo đó, chương trình sẽ gồm 2 phần. Phần 1 mang tên “Việt Nam - Đất Phật ngàn năm”, đề cập tới hành trình triết lý Phật giáo đi vào đời sống dân gian một cách giản dị và trường tồn cùng dân tộc. Phần 2 của chương trình có tên “Đại lộ di sản”, bao gồm nhiều  câu chuyện về di sản văn hóa Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.

Cụ thể hơn về nội dung này, đạo diễn Nguyễn Việt Tú cho biết, chương trình sẽ mở đầu bằng 40 phút với những tiết mục nghệ thuật múa, ánh sáng và hình ảnh nhằm truyền tải văn hóa tâm linh Phật giáo đến khán giả. Tại phần 2, chương trình sẽ giới thiệu nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế trước khi giới thiệu văn hóa đặc trưng của các quốc gia khác.

Trả lời câu hỏi vì sao nhã nhạc cung đình Huế lại được giới thiệu tại không gian đầy tính tâm linh ở chùa Tam Chúc và vì sao Tam Chúc được lựa chọn làm nơi mở màn cho dự án nghệ thuật này, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cho biết: “Tam Chúc là một sân khấu đẹp cho việc dàn dựng, trong khi Vesak là sự kiện quốc tế. Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người và văn hóa đến bạn bè thế giới. Còn với nhã nhạc cung đình Huế, theo quan điểm của tôi, văn hóa chỉ có thể sống nếu được giới thiệu và tồn tại sâu rộng. Do đó, việc giới thiệu văn hóa này trong sự kiện một cách chủ động là điều rất bình thường. Một phần của nhã nhạc cung đình Huế là múa hoa đăng cũng có điểm tương đồng với văn hóa đạo Phật”.

Mặc dù tham gia vào dự án nghệ thuật lần này chỉ có 7 đoàn quốc tế và chủ yếu đến từ các nền văn hóa tương đồng với Việt Nam là đạo Phật. Tuy nhiên, chia sẻ bên lề chương trình này, nhà báo Diễm Quỳnh cũng đặt kỳ vọng, trong tương lai, “Đại lộ di sản” sẽ là điểm hẹn văn hóa với không chỉ các nước khu vực Đông Nam Á mà cả các nước đến từ khu vực châu Âu, châu Mỹ….

Cũng theo ban tổ chức, các nội dung tiếp theo được giới thiệu trong dự án này vào những năm sau sẽ là văn hóa cồng chiêng, hát xoan…và những giá trị văn hóa di sản của các nước khác nhưng đều dựa trên tiêu chí là các giá trị văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và phải phù hợp với không gian biểu diễn ngoài trời và sân khấu lớn.

Tin liên quan
Tin khác