Biến chứng nguy hiểm
Theo lý giải của các chuyên gia y tế, bệnh lý viêm phổi thường tăng cao ở thời điểm giao mùa, do thời tiết và nhiệt độ thay đổi, mưa nắng thất thường tạo môi trường cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khiến đường thở khó thích nghi, nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, chất lượng không khí thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc dùng quạt và điều hòa không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo bác sĩ Chu Thị Hạnh, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, hai tháng gần đây bệnh nhân viêm phổi đông hơn trước. Ở trẻ em, phần lớn viêm phổi do khuẩn nội bào Mycoplasma, phải xét nghiệm PCR mới phát hiện.
Thời tiết chuyển mùa, người nhập viện vì viêm phổi gia tăng, trong đó nhiều ca bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng đáng tiếc. |
Các tác nhân gây bệnh khá đa dạng, như phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae và các vi khuẩn không điển hình như vi khuẩn Mycoplasma. Khoảng 30% trường hợp có hiện tượng lây chéo trong gia đình.
Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng ghi nhận số bệnh nhi và cao tuổi bị viêm phổi tăng trong thời gian gần đây. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng sốt cao, rét run và xuất hiện khó thở.
Còn theo lãnh đạo Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhi tới khám thường dấu hiệu sốt cao, ho đờm nhiều, thở nhanh, quấy khóc liên tục. Nếu viêm phổi nặng trẻ có biểu hiệu lừ đừ, mệt mỏi nhiều, bỏ ăn, suy hô hấp.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Những tác nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ em là phế cầu, virus hợp bào hô hấp, vi khuẩn Mycoplasma…
Cũng theo đại diện Bệnh viện Trung ương quân đội 108, giao mùa từ hè sang thu, bệnh nhi tới khám vì nhiễm khuẩn đường hô hấp tăng cao, trên 50% đang điều trị tại khoa là viêm phổi.
Bên cạnh đó, không chỉ trẻ em, những người già mắc viêm phổi đến điều trị tại đây cũng tăng trong thời gian này. Có những bệnh nhân phải chăm sóc điều trị hô hấp đặc biệt. Tại khoa Nội hô hấp có tới 40% bệnh nhân điều trị là người già.
Theo bác sĩ Hạnh, những dấu hiệu ban đầu như ho, khạc đờm, đau họng, sốt nhẹ… khiến nhiều người chủ quan nghĩ cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó bệnh tiến triển nặng gây sốt cao, ho, đau ngực, khó thở.
"Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể gặp các biến chứng như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp tiến triển", bác sĩ Hạnh lo ngại.
Các chuyên gia cho rằng, bệnh nhân cao tuổi mắc viêm phổi thường rất nặng. Nguyên nhân là người cao tuổi thường có nhiều bệnh kết hợp như phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.
Do vậy, khi mắc viêm phổi trên nền các bệnh mạn tính đó, càng tăng nặng tình trạng của bệnh nhân. Ngoài ra, người cao tuổi thường sức đề kháng kém, dễ nhiễm khuẩn, virus gây viêm phổi.
Thông thường viêm phổi sẽ xuất hiện triệu chứng sốt cao, rét run, nhưng ở bệnh nhân cao tuổi phản ứng cơ thể với các tác nhân gây bệnh giảm đi, nên có thể không có biểu hiện sốt.
Bên cạnh đó, triệu chứng ho trong viêm phổi cũng bắt gặp ở các thể bệnh hô hấp khác ở người cao tuổi như viêm phế quản mãn tính hoặc phổi tắc nghẽn khiến các dấu hiệu chồng lấp lên nhau… Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm viêm phổi ở người già khó khăn hơn, dẫn tới điều trị muộn.
Quan tâm tới việc tiêm phòng vắc-xin
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, để ngăn ngừa viêm phổi cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cá nhân tốt. Đồng thời, duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, không hút thuốc hoặc lạm dụng rượu, bia, các đồ uống có cồn khác.
Ngoài ra, trẻ em nên tiêm đầy đủ một số loại vắc-xin có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi, như vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi - viêm màng não do HIB), vắc-xin cúm, phế cầu, ho gà...
Với người lớn trên 65 tuổi nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn, cúm, ho gà. Riêng với vắc-xin phòng vi khuẩn phế cầu, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi được tiêm vắc-xin phế cầu có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng.
Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn cho thấy vắc-xin phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23-49% chống lại các virus hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 ở người.
Còn theo Bộ Y tế, viêm phổi mắc phải cộng đồng là bệnh lý hô hấp thường gặp, nằm trong nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới.
Bệnh cảnh lâm sàng viêm phổi mắc phải cộng đồng ở nhiều mức độ khác nhau, từ những ca bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú đến các ca bệnh nặng với suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, gây tử vong.
Những điểm cần nhớ để dự phòng viêm phổi mắc phải cộng đồng: Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, quản lý triệt để các bệnh lý nền của bệnh nhân.
Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh, loại bỏ kích thích có hại: Rượu bia, thuốc lá. Tiêm phòng cúm 1 năm/lần ở người > 50 tuổi, chỉ định ở người mắc bệnh lý tim phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng, suy giảm miễn dịch.
Tiêm phòng phế cầu: 5 năm/lần khi tiêm lần đầu dưới 65 tuổi, nếu lần đầu tiêm > 65 tuổi thì không cần nhắc lại, chỉ định ở người mắc bệnh tim phổi mạn, đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan mạn tính, dò dịch não tủy, cắt lách, suy giảm miễn dịch.
Tư vấn cai thuốc lá với chiến lược tư vấn ngắn 5A (Hỏi - Khuyên - Đánh giá - Hỗ trợ - Sắp xếp) hoặc tư vấn sâu. Trong các trường hợp nghiện thuốc lá thực thể mức độ nặng, có thể dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc, bao gồm nicotin thay thế, Bupropion hoặc Varenicline.
Trong bối cảnh một số dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng như hiện nay, để chủ động bảo vệ sức khỏe trước thời điểm nhiều bệnh lý hô hấp lưu hành, lây nhiễm cao, mọi người nên tiêm vắc-xin để có được miễn dịch tốt nhất, hạn chế thấp nhất nguy cơ biến chứng nếu mắc bệnh.