Chu kỳ 5 năm dịch sởi bùng phát
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định từ ngày mai (12/3), nền nhiệt tăng dần ở miền Bắc và sẽ bắt đầu có hiện tượng nồm nhẹ, sau đó sẽ gia tăng vào những ngày tiếp theo.
Giao mùa là giai đoạn lý tưởng cho nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện. |
Nền nhiệt về đêm và sáng phổ biến dưới 20 độ C, cao nhất không quá 23 độ, cùng với mưa phùn và sương mù khiến khói bụi không thể khuếch tán, làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Theo chuyên gia y tế, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng thường gặp nhất vào mùa Đông - Xuân. Trẻ em mắc sởi rất dễ gây các biến chứng nghiêm trọng và đặc biệt nếu không được cách ly tốt bệnh rất dễ trở thành dịch. Đáng lưu ý, năm 2024 là năm nằm trong chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch.
GS-TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao bởi 3 lý do trong thời gian dịch Covid-19, nhiều trẻ không được tiêm vắc-xin sởi;
Bên cạnh đó, năm 2023, có những lúc thiếu vắc-xin sởi cục bộ và dù tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vắc-xin. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.
Theo ông Phu, số trẻ không được bảo vệ bởi vắc-xin tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, nên khi dịch xảy ra nguy cơ bùng phát là rất cao.
Đây cũng là lý do vì sao giới chuyên môn thường nói tới chu kỳ dịch 4-5 năm/lần. Để phòng dịch, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.
Chia sẻ về vấn đề tiêm chủng, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi trên phạm vi toàn quốc đã đạt tỷ lệ hơn 95%.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều trẻ đã không được tiêm vắc-xin sởi, và mặc dù vắc-xin sởi có thiếu nhưng chỉ thiếu rải rác. Tuy nhiên, theo logic chu kỳ bùng phát dịch sởi nên không được chủ quan.
Ngành y tế đặt ưu tiên trong quý I/2024 tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ em đảm bảo an toàn tiêm chủng đặc biệt một số vắc-xin phòng chống dịch trong mùa đông xuân như sởi, rubella, đồng thời tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng.
Ngoài dịch sởi, theo các bác sĩ, thời tiết nồm ẩm sắp tới là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ em.
Trong số khoảng 100 trẻ điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, phần lớn trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, cúm, sốt virus…
Theo bác sĩ Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy. Các phụ huynh cho biết diễn tiến bệnh của trẻ rất nhanh, dù chỉ ít ngày trước đó trẻ mới húng hắng ho.
Qua đây bác sĩ của Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị. Khi con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Theo vị bác sĩ này, giai đoạn mùa Đông- Xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chẳng hạn, bệnh thủy đậu, dù không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.
Sốt virus, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh kéo dài bệnh.
Ngoài ra, các căn bệnh hô hấp, trẻ thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.
Bệnh tiêu chảy cấp cũng là bệnh dễ mắc trong thời tiết nồm ẩm, giao mùa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virus Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong
Khi trời nồm ẩm, những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường dễ mắc bệnh. Do vậy, để phòng bệnh, các gia đình nên giữ vệ sinh môi trường sống, làm khô không gian sống; vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân;
Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể... Với trẻ nhỏ theo bá sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cần lưu ý tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
Cẩn trọng với các bệnh lý hô hấp
Theo PGS-TS.Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt, đây là giai đoạn lý tưởng cho nhiều bệnh lý tai mũi họng xuất hiện.
Chẳng hạn như bệnh viêm họng. Đây là bệnh lý phổ biến bậc nhất trong các bệnh lý tai mũi họng vào mùa Xuân, đặc biệt là năm nay khi thời tiết thay đổi khá thất thường và tiêu cực.
Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai nhưng những người có sức đề kháng kém, người già hay trẻ nhỏ là những đối tượng dễ mắc nhất. Khi bị viêm họng, triệu chứng đầu tiên của bệnh là đau họng khi nuốt nước bọt hay khi ăn, khàn tiếng, có những cơn ho do bị kích ứng ở đường hô hấp và có thể kèm theo cả sổ mũi.
Theo PGS Hoài An, nguyên nhân gây ra viêm họng phần lớn là do virus gây ra, một số trường hợp có thể bị bệnh do vi khuẩn khi gặp phải các yếu tố thuận lợi như thay đổi thời tiết, khói bụi, sức đề kháng kém...
Cúm mùa cũng là bệnh hay gặp vào thời tiết này. Số ca mắc cúm thời gian qua tăng hơn nhiều so với các thời điểm khác trong năm, thậm chí có người còn có thể bị đi bị lại trong thời gian ngắn.
Người bị cảm cúm thường có các triệu chứng thường thấy như ho, sốt, sổ mũi... Bệnh thường sẽ khỏi trong một khoảng thời gian nhưng cũng có thể có các biến chứng nguy hiểm dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp.
Những người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch… dễ gặp phải các tình trạng trở nặng hay biến chứng.
Viêm xoang là khoảng thời gian ám ảnh của các bệnh nhân viêm xoang. Khi mắc viêm xoang người bệnh có các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp, ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt... Các biểu hiện không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây cản trở trong sinh hoạt.
Đây cũng là bệnh lý tai mũi họng cần hết sức lưu ý thời điểm sang xuân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này như thời tiết, môi trường, nấm mốc, cơ địa... Chính vì thế, việc thời tiết cực đoan càng tạo điều kiện cho bệnh lý này xuất hiện.
Người bị viêm mũi dị ứng sẽ có các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mắt.
Viêm mũi dị ứng gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh tuy nhiên nhiều người hay có thói quen tự mua thuốc về uống vì các triệu chứng giống như bệnh hô hấp. Đây là sai lầm hại sức khỏe vì khi bị viêm mũi dị ứng bác sĩ sẽ điều trị thuốc khác chứ không phải là kháng sinh.
PGS.Hoài An cho biết, người dân cần xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng khoa học để tăng sức đề kháng. Chú ý giữ gìn sức khỏe bản thân, đeo khẩu trang khi ra ngoài và giữ thói quen vệ sinh mũi họng từng ngày.
Khi bị các bệnh lý tai mũi họng cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ tránh tự ý dùng thuốc. Các bệnh lý tai mũi họng có triệu chứng rất giống nhau, việc tự ý mua thuốc uống có thể dẫn tới việc không hiệu quả thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.