Dịch sốt xuất huyết hạ nhiệt
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 15 đến 22/12), Hà Nội ghi nhận 671 trường hợp sốt xuất huyết tại 28 quận, huyện, thị xã (giảm 90 trường hợp so với tuần trước đó và giảm gần 2.000 trường hợp so với cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023).
Ảnh minh hoạ. |
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua, dẫn đầu là Hà Đông với 123 ca, tiếp đến là Đống Đa có 111 ca, Bắc Từ Liêm (55 ca), Hoàng Mai (51 ca), Thanh Oai (51 ca), Hai Bà Trưng (50 ca).
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 40.062 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong.
Ngoài ra, trong tuần ghi nhận thêm 6 ổ dịch tại 4 quận, huyện (giảm 14 ổ dịch so với tuần trước). Tổng số ổ dịch đến nay là 1.970, hiện còn 14 ổ dịch đang hoạt động tại 8 quận, huyện.
Theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023, trong đó có 14 mẫu dương tính DEN1, 17 mẫu dương tính DEN2, 1 mẫu dương tính DEN3.
CDC Hà Nội đánh giá, so với tháng 10 và tháng 11/2023, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã giảm mạnh. Hiện nay, thời tiết đã lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Tuy nhiên, CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng bệnh. Để hạn chế số ca mắc mới, CDC Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Về sốt xuất huyết, các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.
Với sốt xuất huyết, có những sai lầm khi điều trị khiến bệnh trở nặng mà người dân cần hết sức tránh. Theo đó, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm với sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Người bệnh thường chủ quan không đi khám mà tự điều trị.
Mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng vẫn cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi sát sao.
Mức độ nặng, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Hầu hết người bệnh đều lầm tưởng hết sốt là khỏi bệnh vì hạ sốt nên cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế sau giai đoạn sốt cao mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất.
Lúc này, người bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao và nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều bởi sau 2-7 ngày, lúc này tiểu cầu có thể giảm nặng và thoát huyết tương, người bệnh có thể gặp các triệu chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam,…
Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.
Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, vì vậy muốn hạ sốt nhanh nên uống thuốc hạ sốt không tuân thủ đúng liều lượng được hướng dẫn.
Thậm chí, có rất nhiều trường hợp dùng sai thuốc hạ sốt như sử dụng aspirin và ibuprofen thay thế cho paracetamol dẫn đến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù nước đọng công cộng, cống rãnh...
Tuy nhiên, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước mưa đọng tại những mảnh bát vỡ trong vườn nhà, xóm ngõ hoặc sân thượng, công trình xây dựng… Vì vậy, cần loại bỏ những vật chứa nước tồn đọng là nơi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.
Để không bị muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng phun thuốc diệt muỗi vào giờ nào cũng được. Tuy nhiên, việc diệt muỗi đầu tiên là vệ sinh nhà cửa, lật úp hết nơi muỗi trú ẩn, để diệt bọ gậy, sau đó mới tiến hành phun thuốc diệt muỗi trưởng thành.
Ðể diệt muỗi này có hiệu quả nên phun thuốc vào buổi sáng. Vì loài muỗi sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng và thời gian trước lúc mặt trời lặn. Điều cần lưu ý, các loại thuốc phun diệt côn trùng có thời gian hiệu lực tốt trong 6 tháng kể từ khi phun.
Nhiều người cho rằng, vừa mắc sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Đây là quan niệm chưa hẳn đúng. Vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Cả 4 chủng virus này đều có khả năng gây bệnh.
Vì vậy, nếu người từng mắc sốt xuất huyết, trong thời gian mắc bệnh cơ thể có thể tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, miễn dịch được tạo thành chỉ đặc hiệu đối với từng chủng riêng lẻ. Người bệnh có thể sẽ không nhiễm lại chủng virus cũ nhưng vẫn có thể nhiễm chủng mới nên có thể tái mắc sốt xuất huyết.
Nhiều người cho rằng khi sốt xuất huyết chỉ uống bù điện giải không nên uống nước dừa vì không có tác dụng bù nước và khó nhận biết biến chứng.
Điều này là hoàn toàn sai lầm, trong sốt xuất huyết, việc sốt cao mấy ngày liên tục sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước, mất dịch. Việc bù dịch đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống Oresol.
Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân khó uống Oresol. Việc này có thể thay thế bằng uống nước dừa, nước cam, nước bưởi, nước chanh để bù lại lượng dịch đã mất. Hơn nữa, các loại quả trên chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và tăng sự vững bền của thành mạch.
Nhiều bố mẹ có những xử trí không đúng khi con bị sốt xuất huyết. Khi thấy bé có nốt xuất huyết bầm tím thì cho rằng phải cắt lễ để lấy bớt máu độc sẽ nhanh khỏi.
Việc này có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm. Đây là đường vào cho vi trùng xâm nhập, có thể gây rối loạn đông máu nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Xử phạt nhiều cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn TP với số tiền 177 triệu đồng.
Trong đó, Công ty TNHH Dược Phẩm Tiên Phong, địa chỉ 50 Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên website khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Thanh tra Sở Y tế cũng đã buộc công ty tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên website: duocphamtienphongcom.
Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam, số 454 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa cũng bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Đồng thời bị buộc tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh trên Internet.
Cùng lỗi vi phạm này, hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Lăng Thị Tuyết Mai, địa chỉ tại thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì bị xử phạt 22,5 triệu đồng và buộc tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh trên Internet.
Công ty TNHH Quốc tế Hyunjin C&T, địa chỉ BT20 ô đất TT12 khu đô thị Phùng Khoang, Trung Văn, quận Nam Từ Liêm bị xử phạt 30 triệu đồng do thay đổi nội dung đã công bố và đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng chưa được sự chấp nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, quầy thuốc 176, địa chỉ tại chợ Cá, thôn Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ và quầy thuốc Ngọc Hường, thôn 3, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất cùng bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng.
Quầy thuốc Lê Thị Mai, địa chỉ thôn 2, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.
Hộ kinh doanh Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt - Nha khoa thẩm mỹ, địa chỉ số 263, đường Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên bị xử phạt 6 triệu đồng do lỗi người hành nghề thực hiện hành nghề không đúng thời gian đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Cơ sở bán lẻ dược liệu Nguyễn Thu Thảo, số 36 phố Lãn Ông, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm bị xử phạt 4 triệu đồng do lỗi vi phạm mua bán thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ 2.
Quầy thuốc Hồng Thúy, địa chỉ tại thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh bị xử phạt 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.