Thời sự
Giật mình với chi phí quản lý bảo hiểm xã hội 4.115 tỷ đồng/năm
Quang Hưng - 27/05/2015 17:01
Sáng nay (27/5), khi bàn thảo về Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi trước Quốc hội rằng: Người lao động sẽ suy nghĩ như thế nào về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội tiêu tốn 4.115 tỷ đồng/năm?
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

 

Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng, trong Tờ trình của Chính phủ có đặt ra vấn đề bảo hiểm xã hội Singgapore cũng không cho lĩnh trợ cấp 1 lần, ý kiến đó không nêu hết được ý nghĩa của bảo hiểm. Ở Singgapore, bảo hiểm của nhà nước, tức là cán bộ công chức nhà nước là Chính phủ lo. Người lao động trong mọi thành phần kinh tế, giả sử người lao động đóng 5%, người sử dụng đóng 10% là 15%, thì tổ chức công đoàn và giám đốc doanh nghiệp đó phải bàn bạc với nhau, 15% này chúng ta đóng cho bảo hiểm xã hội nào? Chọn cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội tốt nhất để đóng. Đã đóng rồi thì mỗi người lao động có một sổ ghi rõ số tiền từng tháng họ đóng, hàng năm tính lãi, không có một chi phí quản lý, nó như một ngân hàng, người nào đủ điều kiện về hưu thì mới được lĩnh. Nhưng trong quá trình đó, nếu người lao động có nhu cầu cần mua nhà, cưới vợ, kinh doanh thì được vay tiền và vay tối đa có thể lên 50 -70% của tổng số tiền đóng đó. Không hề tốn chi phí quản lý.

"Tôi là đại diện người lao động, tôi thử hỏi Quốc hội, người lao động suy nghĩ như thế nào khi quản lý bảo hiểm xã hội của chúng ta hiện tại một năm là 4.115 tỷ đồng", ông Đặng Ngọc Tùng nói.

Liên quan đến điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đại diện cho tổ chức công đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng bày tỏ sự biết ơn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đối với Tờ trình của Chính phủ. Chính phủ đã lắng nghe, đã tiếp thu ý kiến của công nhân lao động và lắng nghe ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

"Chính phủ nên kiến nghị với Quốc hội điều chỉnh lại, sửa lại điều này. Bản thân tôi trước khi biểu quyết, chúng tôi cũng kiến nghị với Quốc hội là tạm thời chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội vì một điều cơ bản nhất của Luật Bảo hiểm xã hội mà chúng ta cần phải sửa là sự phân biệt đối xử đối với người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh".

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Yến, tỉnh Phú Thọ cho rằng,  về quan điểm mục tiêu xây dựng nội dung Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là hoàn toàn đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, nội dung của điều luật phù hợp với xu hướng phát triển chung đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một bộ phận người lao động đã ngừng việc do chưa đồng tình với quy định tại Điều 60 về bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. "Tôi tán thành với kiến nghị của Chính phủ, trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần", đại biểu Lê Thị Yến nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, TP. Hải Phòng phân tích: "Trong thời gian vừa qua đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, quy định như Điều 60 là rất nhân văn và có lợi, bảo vệ cho người lao động về già có lương hưu để sinh sống. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quy định như vậy chưa phù hợp với một bộ phận công nhân, người lao động làm việc ở một số ngành đặc thù không có điều kiện chờ đợi để nhận lương hưu và cũng có một số ý kiến khác. Phân tích ở góc độ nào chúng ta đều thấy có hai mặt, mặt đúng và những mặt hạn chế.

Căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay của một bộ phận công nhân và người người lao động không có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trí có lợi hơn. Trước mắt, họ cần một khoản tiền để mưu sinh, mở một cửa hàng nhỏ hay về quê làm ruộng, gắn bó với mảnh đất quê cha đất tổ của mình và cực chẳng đã họ mới phải chọn phương án nhận một lần. Do vậy, luật nên quy định mở để cho họ có quyền lựa chọn.

"Tôi tán thành với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung quy định trong Điều 60 để người lao động có hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo nguyên tắc có đóng, có hưởng để đảm bảo nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng, nhất là cơ quan bảo hiểm xã hội, công đoàn dành kinh phí tăng cường tuyên truyền sâu, rộng đến người lao động trong các thành phần kinh tế hiểu được nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trí thì có lợi hơn", đại biểu Trần Ngọc Vinh đề xuất.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM thẳng thắn: Sửa ngay Điều 60 hay ra một nghị quyết, thì chúng ta có thể tính toán thêm, nhưng tính toán gì cũng phải bảo đảm quyền lựa chọn chính đáng và hợp pháp của người công nhân. Cùng với nó chúng ta phải xây dựng nền kinh tế để càng ngày có nhiều người sẽ lựa chọn phương án bảo lưu hay phương án bảo hiểm xã hội khi đúng tuổi hưu trí.

Theo đại biểu Nghĩa, cho đến nay chưa thấy ai, đại biểu Quốc hội hoặc công nhân đòi hỏi phải bỏ Điều 60. Sở dĩ người ta phản ứng Điều 60 vì nó đúng nhưng không đủ, vì chưa quan tâm đầy đủ lợi ích thực tiễn của cộng đồng người lao động khác nhau. Trong một người lao động cũng có 2 loại lợi ích: Lợi ích bảo lưu để lĩnh lương về hưu sau này, một lợi ích lĩnh ngay. Đôi lúc, lợi ích này dao động. Khi người ta thấy nhà máy này sắp dẹp hoặc tệ quá, điều kiện đời sống gia đình ở dưới quê của những người thân mất và phải quay về quê thì lợi ích này dao động.

"Chính vì vậy, tôi xin ủng hộ việc Chính phủ đưa ra để Quốc hội xem xét. Tóm lại, cách làm chúng ta có thể sửa. Có người nói rằng chưa có hiệu lực thì sao lại sửa? Có hiệu lực rồi chúng ta vẫn sửa được, thì chưa có hiệu lực tại sao lại không sửa được?", ông Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác