Việc cải tạo, xây lại chung cư sẽ trở thành một phần trong quy hoạch
Vào ngày 27/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, xây dựng lại nhà chung cư (Nghị định nhà chung cư).
Trong buổi họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu dự thảo Nghị định phải thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Công cuộc này sẽ được tích hợp vào quy hoạch đô thị; quy hoạch phân khu; chương trình phát triển nhà ở của địa phương…
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Ảnh: VGP |
"Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải sát với thực tiễn. Quy hoạch đô thị, kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở phải đi trước một bước", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, dự thảo Nghị định nhà chung cư gồm 8 chương, 48 điều quy định. Trong đó, có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với doanh nghiệp tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp dự án không có nhà đầu tư tham gia, Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.
Bộ Xây dựng sẽ là đơn vị đưa ra các tiêu chí khoa học, trình tự thủ tục, trách nhiệm, thẩm quyền trong việc kiểm định, đánh giá, lập danh sách khu chung cư còn thời hạn sử dụng, đã hết hạn sử dụng và có thời hạn thực hiện cải tại, thuộc diện phải di dời khẩn cấp.
Cá nhân có thể bị giới hạn số lần giao dịch bất động sản
Vào ngày 25/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (Nghị định quy định chung).
Trong dự thảo Nghị định đã quy định điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ về tổng doanh thu, số lần bán, chuyển nhượng trong một năm. Nếu vượt quá các điều kiện đặt ra, cá nhân sẽ phải thành lập doanh nghiệp. Hiện chưa có thông tin chi tiết về các điều kiện cụ thể.
Trước đó, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã đề xuất 3 phương án quy định điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ.
Trong đó, phương án 1 giới hạn về số lượng nhà được bán, cho thuê trong một năm không quá 3 - 5 căn (bao gồm cả nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai). Nếu kinh doanh vượt số lượng trên, cá nhân sẽ phải thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì lo ngại vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân, Bộ Xây Dựng đã sớm loại bỏ tiêu chí này.
Hai phương án còn lại giới hạn về quy mô diện tích và số tầng, số căn hộ. Tuy nhiên, trong cuộc họp của Phó thủ tướng, cả ba điều kiện trên đều không còn được đề cập.
Bình Dương muốn xây gấp đôi số căn nhà ở xã hội được giao
UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã đặt mục tiêu đầu tư khoảng 160.325 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, dự kiến xây dựng hơn 155.000 căn chung cư và 5.000 nhà liền kề.
Trước đó, theo đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ, tỉnh Bình Dương chỉ được giao phát triển 86.877 căn.
Để hoàn thành mục tiêu mới, tỉnh dự kiến bố trí 470 ha đất với tổng mức đầu tư gần 84.800 tỷ đồng, ưu tiên nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương dự kiến sử dụng 136 ha đất để hoàn thành khoảng 42.445 căn nhà ở xã hội. Trong 5 năm tiếp theo, tỉnh sẽ bố trí thêm 334 ha để xây dựng 117.880 căn.
Gỡ vướng cho dự án casino lớn nhất Việt Nam
Vào ngày 26/6, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có văn bản yêu cầu các cơ quan sở, ban, ngành; UBND huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An tập trung giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana).
Phối cảnh dự án Nam Hội An. |
Trước đó, ngày 7/6, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An, chủ đầu tư dự án, đã gửi văn bản kiến nghị giải quyết các khó khăn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.
Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích hơn 985 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 81.200 tỷ đồng. Dự án nằm tại xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình).
Tính đến hiện tại, đây là khu nghỉ dưỡng có casino lớn nhất Việt Nam. Dự án bắt đầu được triển khai vào năm 2016 và có giấy phép hoạt động trong 70 năm, tính từ năm 2010.
Hà Nội đề nghị chuyển đổi hơn 29 ha đất trồng lúa
UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND Thành phố nhằm đề nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, UBND Thành phố đã đề nghị điều chỉnh, bổ sung chuyển mục đích sử dụng 29,002 ha đất trồng lúa để thực hiện 21 dự án tại 6 quận, huyện.
Một số dự án có thể kể đến như dự án xây dựng, mở rộng Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì); dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Đồng Tía xóm Xá (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ); nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm)...
Dự kiến, nội dung trên sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17 của HĐND Thành phố, được tổ chức từ ngày 1/7 đến 4/7.
Xử lý chuồng cọp là trách nhiệm của địa phương
Tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý II/2024, ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đã trả lời về tình trạng chuồng cọp kiên cố gây khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi xảy ra cháy nhà.
Vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, hiện tại không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào về việc xây dựng chuồng cọp. Tại thời điểm nghiệm thu, các công trình cũng chưa hình thành chuồng cọp.
Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, ông Nguyễn Thế Công cho rằng, trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương. Đối với việc mở lối ra thoát hiểm, theo Nghị quyết 05 của HĐND TP. Hà Nội vào năm 2022, đây vẫn tiếp tục là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đối với việc xử lý công trình để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Hà Nội đã xử lý 705 dự án chậm tiến độ sử dụng đất
Theo báo cáo mới đây của UBND TP. Hà Nội, tính đến hết ngày 15/6/2024, 705 trên tổng số 712 dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Báo cáo cụ thể về kết quả xử lý từng nhóm dự án, UBND Thành phố cho biết, trong số 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, có 134 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật.
Một dự án còn lại đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội tiếp tục rà soát để xem xét phương án xử lý theo quy định.
Về kết quả xử lý 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 196 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát thực hiện theo quy định của pháp luật.
208 dự án còn lại đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19.
Về kết quả xử lý đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, có 80 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát thực hiện theo quy định của pháp luật.
93 dự án còn lại đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19.
Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị 910 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị phía Tây Nam cầu Long Vân tại phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn.
Dự án có diện tích khoảng 9 ha và quy mô dân số khoảng 2.374 người. Sơ bộ chi phí thực hiện dự án là hơn 910 tỷ đồng. Thời hạn giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án kéo dài 48 tháng, tính từ ngày có kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
UBND tỉnh Bình Định lưu ý, việc đầu tư xây dựng dự án khu đất phía Tây Nam cầu Long Vân sẽ phát sinh nhu cầu đỗ xe lớn tại khu vực. Do vậy, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư dự án có phương án bố trí các hạng mục bãi đỗ xe nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong khu vực.
Đà Nẵng đấu giá hàng loạt khu đất, khởi điểm cao nhất hơn 24 triệu/m2
Gần đây, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đối với 12 khu đất trên địa bàn.
Trong đó, có 3 khu đất sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền một lần.
Cụ thể, khu đất đầu tiên thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến quốc lộ 1A, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Diện tích của khu đất là hơn 2.900m2 và được xây dựng để làm kho hàng. Giá khởi điểm là hơn 7,4 triệu đồng/m2.
Khu đất thứ hai nằm trên đường Vũng Thùng 9 - Vân Đồn, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Quy mô diện tích khoảng hơn 1.000m2, mục đích xây dựng làm nhà kho thủy sản. Mức giá khởi điểm là gần 14 triệu đồng/m2.
Khu đất thứ ba thuộc dự án khu số 2 trung tâm đô thị mới Tây Bắc, nằm trên đường Hoàng Thị Loan - Đặng Minh Khiêm, quận Liên Chiểu. Khu đất có diện tích hơn 800m2 và được xây dựng làm văn phòng cho thuê. Giá khởi điểm từ 24 triệu đồng/m2.
9 khu đất còn lại được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Trong đó, nơi có giá đắt nhất nằm trên khu đất A2 - 2 thuộc khu dân cư An Hòa 4, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Khu đất có diện tích hơn 9.500m2, mục đích xây dựng làm bệnh viện đa khoa. Mức giá thuê khởi điểm là hơn 271.000 đồng/m2/năm.
Khu đất có giá thuê thấp nhất nằm tại số 383 đường Cách mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ. Quy mô của khu đất khoảng 2.900m2 và được xây dựng làm bãi đỗ xe. Mức giá khởi điểm là hơn 68.000 đồng/m2/năm.