Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Duy Linh). |
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, quy định này chưa thuyết phục.
Sáng 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về những vấn đề lớn của Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư với một trong các vấn đề còn có ý kiến khác nhau là quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Báo cáo trước khi đại biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định tại Điều 78 cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Ông Thanh giải thích, quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”.
Phương án này cũng nhằm hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Tán thành phân tích của cơ quan thẩm tra, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, không nên đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức ngoài hợp tác xã, liên minh hợp tác xã.
"Việc cho phép chuyển nhượng phần góp vốn sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của doanh nghiệp", đại biểu Thuý nói.
Cũng phát biểu vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo là chưa thuyết phục. Vì vốn của các thành viên hợp tác xã góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể lại bị hạn chế quyền, tài sản này không được mua bán chuyển nhượng trong một số điều kiện thì rõ ràng là hạn chế quyền tài sản. Mà nếu hạn chế thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa, ông Lâm lo ngại.
Theo đại biểu Lâm, cần nghiên cứu xem xét thêm quy định về nội dung trên, chứ không nên giới hạn quyền mua bán, chuyển nhượng của các thành viên đóng góp tài sản vào tổ chức.
Khi chuyển nhượng này thay đổi tính chất của hợp tác xã thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm hạn chế chuyển nhượng tài sản, nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài hợp tác xã, ông Lâm góp ý.
"Lúc đó coi như là kết nạp thành viên mới thôi, có gì đâu. Thành viên nhận chuyển nhượng đó chưa phải là xã viên thì việc nhận chuyển nhượng như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình làm sao tương tự kết nạp thành viên mới thì không có gì khó khăn, phức tạp cả", ông Lâm lập luận.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu thực tế tại Saigon Coop phần hỗ trợ của nhà nước rất nhiều, nhưng đã có hiện tượng thâu tóm. Vì thế, dự thảo luật quy định cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu và khống chế mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
"Chúng tôi đã cố gắng đưa ra van, khoá, quy định làm sao để chống hiện tượng trục lợi, thâu tóm hợp tác xã. Tới đây, cơ qua thẩm tra sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền", ông Thanh cho hay.