Ngân hàng - Bảo hiểm
Giữ được tỷ giá, nợ công không bị tác động tiêu cực
Mạnh Bôn - 11/09/2022 08:15
Nhờ giữ được tỷ giá và lạm phát, nên nợ công của Việt Nam không bị tác động tiêu cực trước sự mất giá của các loại tiền tệ khác so với USD, thậm chí còn giúp giảm dư nợ chính phủ so với cuối năm 2021.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Nhiều ý kiến lo ngại, USD tăng giá rất mạnh so với các loại ngoại tệ chủ chốt trên thế giới sẽ tác động tiêu cực đến nợ công của Việt Nam. Điều này có đúng không, thưa ông?

USD tăng giá tất nhiên tác động tiêu cực đến những nước vay nợ chủ yếu bằng “đồng bạc xanh” và những nước có đồng nội tệ bị mất giá so với USD. Nói dễ hiểu là, với lượng dư nợ không thay đổi thì phải bỏ ra nhiều tiền hơn để trả nợ, dư nợ không tăng, nhưng quy đổi ra USD thì khối lượng nợ tăng lên.

Việt Nam lại là trường hợp khác. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 8/2022, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58%; lạm phát cơ bản tăng 1,64%. Chỉ số giá USD tháng 8/2022 chỉ tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%. Giữ được tỷ giá và lạm phát, nên nợ công của Việt Nam không bị tác động tiêu cực trước việc mất giá của các loại tiền tệ khác so với USD.

Cũng chính nhờ giữ vững được tỷ giá, nên trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu là 246,84 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu 3,96 tỷ USD. Nhờ giữ được nhịp độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu ở mức rất cao mà lại còn xuất siêu, nên Việt Nam càng có điều kiện kiểm soát được tỷ giá.

Cụ thể, việc các loại ngoại tệ mạnh khác mất giá tác động thế nào tới nợ công của Việt Nam, thưa ông?

Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ chính phủ ước khoảng 3.283.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ bằng VND chiếm 66,5%; dư nợ bằng USD chiếm chưa đến 14%; dư nợ bằng JPY khoảng 10,5%; dư nợ bằng EUR khoảng 5,5%; các loại ngoại tệ khác khoảng 4%.

Theo tính toán, khi USD tăng khoảng 1,1% so với đầu năm 2022, làm tăng dư nợ chính phủ khoảng 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Nhưng EUR giảm giá mạnh làm giảm dư nợ khoảng 17.000 tỷ đồng. Nhật Bản là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, JPY mất giá mạnh đã giúp làm giảm dư nợ chính phủ khoảng 45.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính, gồm USD, JPY và EUR, khiến dư nợ chính phủ tính đến cuối năm 2022 giảm khoảng 57.000 tỷ đồng, giảm 2% so với dư nợ cuối năm 2021.

Theo ông, có phải nhờ kiểm soát tốt nợ công, mà Việt Nam vừa được Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ Ba3, lên Ba2, với triển vọng ổn định?

Tiếp sau Fitch Ratings và S&P, Moody’s cũng vừa nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Rất tự hào khi Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Kết quả nâng hạng đã phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm. Moody’s đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo.

Đồng thời, kết quả nói trên cho thấy nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ chính phủ được cải thiện. Điều này cũng phản ánh xu hướng Chính phủ chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn.

Nhờ sự mất giá của các loại ngoại tệ mạnh mà nợ công của Việt Nam giảm được tới 57.000 tỷ đồng (gần 2,5 tỷ USD). Ông nói gì về con số này?

Đây là con số tính toán trên lý thuyết và trong trường hợp mình trả nợ ngay. Còn thực tế, thì Việt Nam không trả nợ ngay, mà chỉ trả lãi và gốc đến hạn. Thị trường tài chính, ngoại tệ, tiền tệ, ngoại hối thế giới biến động bất thường, không ai có thể dự tính trước liệu “đồng bạc xanh” có tiếp tục giữ được thế thượng phong so với các loại ngoại tệ khác nữa không. Cũng không chuyên gia tài chính nào có thể ngờ đến lúc nào đó 1 EUR không đổi được 1 USD, nhưng hiện tại thì đang như vậy.

Có nghĩa, việc giảm được dư nợ công nhờ các đồng ngoại tệ khác mất giá là không chắc chắn, thưa ông?

Dù các loại ngoại tệ trên thế giới có biến động thế nào, thì nợ công của nước ta vẫn bảo đảm, bởi 66,5% dư nợ là bằng VND, nên không lo về sự biến động của tỷ giá. Trong nhiều năm nay, khối lượng vay vốn trong nước (phát hành trái phiếu) của Chính phủ chiếm 90%, vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị vay nợ hàng năm. Các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo; nợ nước ngoài giảm dần đã giúp giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tình hình nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc tăng giá của USD. Diễn biến dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong tiên lượng từ đầu năm và trong tầm kiểm soát.

Hiệu quả thực thi chính sách tài khóa của Việt Nam được Moody’s ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. Cụ thể, Chính phủ đã triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, tập trung huy động vốn trong nước từ các nhà đầu tư tổ chức với chi phí thấp, kỳ hạn dài và tiếp tục duy trì thành quả kiểm soát tỷ lệ nợ trên GDP ổn định, thấp hơn tỷ lệ các năm trước và dưới mức trần 60%, trong khi vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác