Cụ thể, Khoản 2 Điều 34 Luật Quy hoạch 2017 quy định: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh”.
Trong khi đó, theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 15/7/2022), các KCN nằm trong Quy hoạch tỉnh đã qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng, toàn diện của các bộ, ngành về sự phù hợp với chủ trương chính sách của nhà nước, điều kiện địa lý, đất đai, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường... và đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trong khi đó, theo điểm h Khoản 1 Điều 31 và Khoản 2 Điều 35 Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan và trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.
Các doanh nghiệp cho rằng, nếu theo hướng giao việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư KCN cho các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (mà không cần thiết phải được các Bộ ngành thẩm định lại và trình Thủ tướng quyết định) sẽ giúp tránh được thủ tục thẩm định phải thực hiện hai lần, trùng lặp, làm giảm cơ hội của nhà đầu tư do thời gian tiến hành thủ tục bị kéo dài.
Bên cạnh đó, quy định về điều chỉnh diện tích so với quy hoạch khi thành lập cụm công nghiệp (CCN) cũng có bất cập.
Khoản 4 Điều 12 Nghị định 68/2017/NĐ-CP (sửa đổi theo Nghị định 66/2020/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp cụm công nghiệp thành lập, mở rộng có điều chỉnh diện tích lớn hơn 5 ha so với phương án phát triển cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thống nhất với Bộ Công Thương trước khi phê duyệt”.
Nhưng tại khoản 4 Điều 10 của Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển CCN kèm theo Tờ trình số 3842/TTr-BCT ngày 20/6/2023 của Bộ Công Thương trình Chính phủ (thay thế cho Nghị định 68/2017/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp cụm công nghiệp thành lập, mở rộng có điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích giảm hoặc tăng không quá 05 ha so với quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp”.
Theo dự thảo này, có thể hiểu có hai trường hợp: (i) Nếu CCN giảm hoặc tăng không quá 5 ha so với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt thì UBND tỉnh được quyền quyết định; (ii) Nếu CCN giảm hoặc tăng hơn 5 ha so với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt thì UBND tỉnh phải trình Thủ tướng quyết định điều chỉnh quy hoạch.
Nhưng các doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo nên làm rõ thêm các trường hợp:
Trường hợp 1, nếu CCN có diện tích giảm hoặc tăng không quá 5 ha so với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt thì UBND tỉnh được quyền quyết định.
Trường hợp 2, nếu diện tích CCN tăng quá 5 ha so với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt thì cần trình Thủ tướng phê duyệt.
Trường hợp 3, nếu diện tích CCN giảm nhiều hơn 5 ha so với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt thì đề xuất sửa theo hướng, UBND tỉnh được quyền quyết định, do không làm tăng tổng diện tích CCN đã được Thủ tướng phê duyệt cho địa phương đó.
Doanh nghiệp cho rằng, nếu việc giảm diện tích nhiều hơn 5 ha địa phương không thể tự chủ động quyết định, phải trình Thủ tướng quyết định thì sẽ kéo theo quy trình thẩm định lại của các bộ, ngành liên quan, là sự trùng lặp, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội của nhà đầu tư.