Đầu tư điện gió ngoài khơi đang rất cần được hỗ trợ về cơ chế giá, vốn vay |
Nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo”
Được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhưng việc khai thác ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện… đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đưa nguồn điện vào sử dụng trên thực tế.
Để hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với điện mặt trời và điện gió, hàng loạt quyết định về cơ chế đã được Chính phủ ban hành, tạo động lực thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo được bổ sung quy hoạch đến nay khoảng 11.800 MW (đối với điện gió) và khoảng 19.098 MWp (đối với điện mặt trời).
Hiện dự án tại Đắk Lắk và Gia Lai đã đi vào vận hành thương mại, dự án tại Phú Yên và Hà Tĩnh đang triển khai đầu tư, xây dựng và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022. Riêng dự án Điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu, công suất 500 MW là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại khu vực Đông Nam bộ, dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2025.
Theo báo cáo tháng 11/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay, 175 dự án điện mặt trời với hơn 8.673 MW và 88 dự án điện gió với công suất khoảng 3.980 MW đã đi vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021, còn 62 dự án điện gió không kịp vận hành trước ngày 1/11/2021 với tổng công suất khoảng 3.479 MW đang chờ cơ chế mới của Chính phủ.
Dẫu vậy, tỷ lệ các dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời, khoảng 35,6% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu, nhất là ở lĩnh vực điện gió sau thời điểm 31/10/2021.
Chủ trương hỗ trợ phát triển điện gió được đặt nền móng ngay từ năm 2011 bằng việc ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg với cơ chế giá FIT. Do cơ chế giá FIT chưa thật sự hấp dẫn, nên đến năm 2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (Quyết định 39) tăng giá FIT lên 8,5 Uscent/kWh đối với điện gió trên bờ và 9,8 Uscent/kWh đối với điện gió trên biển đã thật sự tạo động lực phát triển điện gió tại Việt Nam, khi quy mô công suất tăng vọt từ 37,5 MW (năm 2010) lên khoảng 11.830 MW (năm 2020).
Mô hình điện gió trên bờ tại dự án điện gió HBRE Kỳ Anh (Hà Tĩnh) |
Điện mặt trời - điện gió: Loạt yếu tố khác biệt
Khác với phát triển điện mặt trời, trong suốt thời gian từ năm 2010 đến năm 2020, trải qua 10 năm, nhưng điện gió có chưa đầy 20 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 488 MW.
“Tỷ lệ này là thấp so với yêu cầu quy hoạch đề ra. Nguyên nhân do đặc thù phát triển điện gió rất khác so với điện mặt trời”, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE nhận xét.
Nếu đối với điện mặt trời, thời gian xây dựng chỉ khoảng 5 tháng, thì điện gió trung bình lên đến khoảng 18 tháng do phải có kết quả đo gió 12 tháng cộng với thời gian đặt hàng sản xuất tua-bin và cả thời gian giao hàng. Điện mặt trời không bắt buộc phải có số liệu đo bức xạ trước khi khởi công xây dựng, nhưng điện gió bắt buộc phải có báo cáo kết quả đo gió tối thiểu là 12 tháng liên tục tại khu vực dự án trước khi lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo số liệu đo gió liên tục tối thiểu 12 tháng theo Quyết định 39 trước khi khởi công dự án điện gió...
Khác biệt rõ ràng nhất là hiệu quả dự án điện mặt trời không phụ thuộc quá nhiều vào quy mô công suất, nhưng với điện gió thì phụ thuộc rất nhiều vì quy mô công suất đủ lớn mới đảm bảo hiệu quả cho dự án.
Với hàng loạt yếu tố đặc thù trên đã làm tăng đáng kể thời gian đầu tư, xây dựng và hoàn thành một dự án điện gió, trung bình khoảng 2 năm đối với điện gió trên bờ và 3-4 năm đối với điện gió ngoài khơi tính cả thời gian đo gió bắt buộc nếu không gặp phải trở ngại khách quan làm đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển và đi lại khó khăn như đại dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp thời gian qua. Chính vì điều này, nên khi thời điểm tháng 10/2021 qua đi, nhiều nhà đầu tư đã ngậm ngùi tiếc nuối khi giá FIT theo Quyết định 39 khép lại.
Rủi ro, khó khăn về tiếp cận vốn
Bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh gây ra, theo ông Hồ Tá Tín, do thời gian đầu tư điện gió kéo dài nên đã gặp nhiều rủi ro về chính sách và thủ tục đầu tư. Dẫn chứng Dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ - Giai đoạn I (tỉnh Phú Yên), dù được Thủ tướng Chính phủ trao ghi nhớ đầu tư từ tháng 2/2018, mãi đến tháng 11/2021, sau một thời gian trầy trật vì thủ tục đất đai, đầu tư (tỉnh cho doanh nghiệp khác nghiên cứu dự án trùng lắp trên đất dự án mà HBRE đã được đồng ý trước đó, dẫn đến tranh chấp đất dự án), thì mới hoàn thành chủ trương đầu tư.
“Nếu chúng tôi không kiên trì, quyết tâm theo đuổi, quyết tâm làm thật thì dự án có nguy cơ rơi vào quy hoạch treo. Sự chậm trễ trong thủ tục đầu tư khiến cơ hội, kỳ vọng đầu tư của doanh nghiệp rơi vào bế tắc do chưa có giá mua điện mới sau ngày 31/10/2021, nên việc vay vốn từ ngân hàng khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn để phấn đấu sớm hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến triển khai xây dựng dự án vào đầu năm 2022”, ông Tín cho biết.
Lý giải thêm về khó khăn vốn vay cho dự án từ ngân hàng, ông Tín cho rằng, ngân hàng lo ngại tính rủi ro trong phương án tài chính và trả nợ vay không đảm bảo. Không những vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước không đủ hạn mức cho vay và lãi suất cho vay cao (từ 10% trở lên), ngân hàng yêu cầu tỷ lệ vốn tự có cao (từ 30 đến 40%), nên việc thu xếp tài chính cho dự án điện gió của chủ đầu tư cũng là rào cản lớn.
Trong khi đó, vay vốn từ ngân hàng nước ngoài mặc dù lãi suất thấp (khoảng 4-5%), nhưng nhà đầu tư trong nước khó tiếp cận do yêu cầu phải có bảo lãnh thanh toán, cam kết chuyển đổi ngoại tệ.
Dù cơ hội hưởng cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đã khép lại đối với điện gió, nhưng nhà đầu tư trong nước rất mong muốn tiếp tục được triển khai đầu tư. Trước rào cản về vốn, nhà đầu tư kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện gió chỉ cần có vốn tự có 15-20%, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay dưới 8%/năm.
Một vấn đề nữa, theo các chuyên gia, để đảm bảo hiệu quả, sớm đưa dự án vào hoạt động theo tiến độ, cần có cơ chế thông thoáng hơn trong việc cho phép các nhà đầu tư trong nước hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng toàn bộ/một phần dự án để được tiếp cận nguồn vốn vay từ nước ngoài với lãi suất thấp.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh thanh toán là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể cho nhà đầu tư và xã hội”, ông Hồ Tá Tín nói.