Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn TTCK 12-16/9: Kỳ vọng VN-Index phục hồi, kiểm tra lại kháng cự 1.260-1.265 điểm
Hải Trần - 12/09/2022 11:23
Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý III/2022 gần kết thúc để tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt.

Thị trường đã có 7 tuần liên tiếp tăng điểm từ vùng đáy 1.140 - 1.150 điểm lên vùng giá 1.285 - 1.300 điểm và tạo đỉnh ngắn hạn trong tuần qua, giảm điểm kết thúc tại 1.248.78 điểm. Đáng chú ý, tuần giảm điểm có khối lượng giao dịch tăng mạnh 67,64% so với tuần trước, cho thấy áp lực bán cơ cấu danh mục khá mạnh ở các vị thế lướt sóng ngắn hạn. 

Đặc biệt với chu kỳ thanh toán, giao dịch rút ngắn từ T+3 về T+2 và hôm nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng sẽ áp dụng cho phép giao dịch lô lẻ, ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích CTCK Maybank Investment bank (MSVN) cho rằng, các biện pháp này có thể cải thiện thanh khoản 10-15% lên 16.000 - 17.000 tỷ đồng (so với 14.000 tỷ đồng tháng 8/2022), có thể hỗ trợ chỉ số VN-Index duy trì ở mức 1.300 điểm theo phương pháp thống kê. 

Do đó, trước bối cảnh dữ liệu vĩ mô khả quan trong tháng 8/2022 và có thể trong những tháng còn lại, theo quan điểm của MSVN, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục phục hồi vào cuối năm, nhờ xúc tác bởi room ký quỹ dồi dào sẵn có tại các công ty chứng khoán (khoảng 50.000 tỷ đồng).

Quay lại với thị trường, dự báo tháng 9 sẽ tích lũy thêm để tạo nền giá tích luỹ trung dài hạn, sau khi tháng 7 thiết lập vùng đáy và tháng 8 hồi phục tốt. 

Vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.200 - 1.225 điểm. Các ngưỡng kháng cự quan trọng là vùng 1.260 - 1.285 điểm. 

Ngắn hạn trong tuần này, các chuyên gia kỳ vọng VN-Index phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự 1.260 - 1.265 điểm. 

Theo ông Huy, trong tháng 9, cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục được khuyến nghị với room tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại, cụ thể là VCB và VPB cho tháng 9/2022, vì hai ngân hàng này có thể nhận được hạn ngạch cao nhất trong hệ thống.

Lĩnh vực bất động có thể quan tâm NLG, nhờ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sắp tới để giải quyết nút thắt về vốn cho bất động sản. Trong khi đó, MWG (bán lẻ) có thể ghi nhận sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ trong những tháng tới sau khi hoàn thành tái cơ cấu và PVD (năng lượng) đang có nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư lớn nhờ hồi sinh dự án khí khổng lồ Lô B Ô Môn.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCK Rồng Việt kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp do tác động đan xen cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Bất chấp triển vọng ảm đạm toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi bền bỉ, giúp Việt Nam Đồng giảm giá ít hơn so với các đồng nội tệ khác trong khu vực như Thái Lan, Phillipines, Malaysia, và Indonesia. Do đó, hy vọng dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam như ghi nhận trong 5 tháng gần đây. 

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, thực phẩm & đồ uống, bán lẻ và dầu khí sẽ luân phiên vai trò hỗ trợ VN-Index chinh phục mốc 1300. Trong khi đó, những diễn biến tiêu cực từ thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, các vấn đề của Trung Quốc hay căng thẳng địa chính trị sẽ là những rủi ro giảm đối với thị trường chứng khoán. Trong kịch bản cơ sở, Rồng Việt kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1250-1315.

Tin liên quan
Tin khác