Tuần qua, thị trường chứng khoán biến động điều chỉnh hẹp với thanh khoản thấp.
Ngay đầu tuần, thị trường đón nhận thông tin kém khả quan, đó là tỷ giá tiếp tục nóng và chính thức vượt 25.000 VND/USD; lãi suất liên ngân hàng duy trì vùng cao; lãi suất huy động một số ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại khiến nhà đầu tư có tâm lý thận trọng.
VN-Index giảm về vùng 1.250 điểm sau đó cân bằng tại ngưỡng này và hồi phục. Đáng chú ý, phiên ngày 11/4, thị trường chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau báo cáo CPI, tuy nhiên, do nhà đầu tưbình tĩnh giúp VN-Index không giảm nhiều cuối phiên.
Tiếp nối phiên cân bằng là phiên bứt tốc tăng hơn 18,4 điểm cuối tuần giúp chỉ số chốt tuần tại 1.276,60, tăng 21,49 điểm (+1,71%) trong tuần và thành công vượt mốc 1.270 điểm.
Diễn biến tăng của chỉ số trong tuần được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng khi bất ngờ bứt tốc trong phiên thứ Sáu với thanh khoản cải thiện mạnh, nổi bật kết tuần CTG (+8,13%), BID (+6,37%) LPB (+14,33%)…, một số mã điều chỉnh STB (-1,69%), VCB (-0,32%).
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có một số mã nổi bật như CTS, FTS, AGR, SHS… Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn phân hoá mạnh, tăng giá bất chấp thông tin phải trả lại hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, nhưng cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn ghi nhận mức tăng khá, hơn 17% trong tuần; ngoài ra còn có DIG (+5%), VHM (+3,615)…, trong khi đó, giảm mạnh có DRH (-8,33%), FIR (-6,54%%)…
Nhóm dầu khí cũng nhận được sự quan tâm, nhiều mã tăng tốt như POS, PVP, PVS… Ngược lại, có những mã điều chỉnh mạnh như PSH (-28,49%) với nhiều thông tin bán giải chấp từ một số công ty chứng khoán, PGS (-5%).
Trong tuần, thanh khoản trên HoSE đạt 94.837,79 tỷ đồng, giảm khá mạnh 25,4% so với tuần trước, dưới mức trung bình.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HoSE, mức độ bán ròng giảm một sửa so với tuần trước, với giá trị 1.164 tỷ đồng trên HoSE. Đây là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại trên HoSE. Top bán ròng trong tuần là các mã VHM (1.125 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ VN-Finlead (MCK: FUESSVFL) (318 tỷ đồng) và NVL (267 tỷ đồng). Trong khi đó phía mua ròng dẫn đầu là MBB với giá trị 427 tỷ đồng.
Thông tin đáng chú ý ngày cuối tuần là Iran phát động tấn công Israel, phóng hơn 100 tên lửa nhằm vào nước này. Theo đó, giới đâu tư đang khá nóng lòng chờ đợi sự phản ứng của thị trường chứng khoán trước thông tin này.
Ghi nhận nhanh ý kiến của ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Thành Công, thị trường tiền tệ vốn đã dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay chỉ vài tuần trước, đã giảm bớt những kỳ vọng đó. Khi thị trường mở cửa vào thứ Hai, những kỳ vọng này có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Mối lo ngại chính sẽ là giá dầu tăng đột biến, thúc đẩy lạm phát.
Dầu tăng vọt vào thứ Sáu tuần qua, với giá dầu Brent chuẩn toàn cầu tăng tới 2,7% lên mức 92 USD/thùng - mức đạt được lần cuối trong những ngày đầu của cuộc chiến Isarael - Hamas. Nếu có sự gián đoạn trong vận chuyển qua đường ống hoặc các chuyên đi của tàu chở dầu vượt ra ngoài vùng biển hiện đang bị Houthi đe doạ ở Biển Đỏ thì bất kỳ mức tăng ban đầu nào về dầu thô có thể được kéo dài.
Theo ông Trung, vàng có khả năng được đẩy lên ATH mới (mức giá cao nhất mà một tài sản nào đó đã đạt được trong lịch sử giao dịch của nó) khi giao dịch bắt đầu lại vào thứ Hai khi nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn của người dân ở Trung Đông leo thang. Kim loại này đã lập kỷ lục trong năm nay với mưc tăng gần 14% tính đến thời điểm hiện tại. Bạc cũng có thể sẽ được ưa chuộng và có khả năng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Sắc đỏ trải dài trên khắp thị trường chứng khoán Mỹ vào thứ 6 trước lo ngại của cuộc tân công trên, chỉ số Dow Jones giảm 476 điểm (1,24%), S&P 500 và Nasdaq cũng giảm sâu thể hiện tâm lý lo sợ của thị trường. Đặc biệt chỉ số VIX đã tăng 16,1% lên 17,31 phản ánh tâm lý bán tháo vào phiên thứ 6.
Bitcoin giảm xuống quanh 61.000 USD trong sáng nay (chủ nhật, 14/4/2024), mức giảm mạnh nhất trong hơn một năm, cũng đến một phần từ lo ngại rủi ro sau tin tức cuộc tấn công của Iran vào Israel. Bitcoin đã giảm 7,7% vào thứ Bảy, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2023.
Quay lại với chỉ số Index của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhờ phiên tăng mạnh thứ Sáu, giúp kết tuần, VN-Index đóng cửa 1.276,6 điểm, tăng 18,4 điểm, tạm xem đã test thành công ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm và tạo nền tích luỹ để có thể vượt cản 1.300 điểm trong ngắn hạn.
Dĩ nhiên, vì 1.300 điểm là ngưỡng cản mạnh nên vẫn có khả năng duy trì lưỡng lự, có các nhịp rũ bỏ khi tiệm cận vùng này. Điểm tích cực, là rủi ro chỉ số VN-Index quay đầu giảm xuống dưới 1.250 điểm trong ngắn hạn là thấp.
Chiến lược giao dịch tuần này, nhà đầu tư có thể thăm dò với tỷ trọng 50% cổ phiếu trong tổng NAV. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên có tiêu chí lựa chọn những mã khoẻ hơn thị trường để tham gia trading, hạn chế tìm kiếm cơ hội sinh lời ở các mã đã “gãy nền” hỗ trợ sớm hơn thị trường. Khi chỉ số tiến tới gần ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm, nhà đầu tư cần tránh mua đuổi.
Trung hạn, nhà đầu tư có thể chờ đợi thêm những cú “nhúng” của thị trường để tích luỹ thêm vị thế đối với các cổ phiếu tiềm năng về tăng trưởng trong trung hạn (từ 1 đến 2 quý tới), có thể tham khảo TCB, MBB, CTS, SHS, GVR, SZC.