Thị trường tuần qua đón nhận một số thông tin trong tuần như thông tin lạm phát Mỹ giảm, củng cố khả năng Fed không cần tăng thêm đợt lãi suất nào và gần như kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay.
Diễn biến này giúp chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD quay đầu giảm mạnh. Nhờ vậy, tỉ giá Việt Nam hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có thể không cần hút thêm tiền thông qua tín phiếu.
Khi tỉ giá bớt áp lực, cùng với mức lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục hiện nay, kì vọng thị trường sớm đón dòng tiền lớn hơn từ trong nước, còn dòng tiền nước ngoài vẫn đang phụ thuộc nhiều yếu tố.
Mặc dù vậy tình hình địa chính trị thế giới vẫn chưa hết bất ổn, lãi suất toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao và thị trường bất động sản trong nước cần thêm thời gian để phục hồi. Trong nước, nhà đầu tư đón nhận thông tin NHNN công bố 5 giải pháp chính gỡ khó cho thị trường BĐS; rà soát Thông tư 03 và Thông tư 06 để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp; Luật đất đai sửa đổi chưa được thông qua tại kỳ họp 6 của Quốc Hội.
Các chuyên gia cho rằng, vẫn cần theo dõi thêm nếu Fed không cần tăng lãi suất nữa, sẽ củng cố cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam – diễn biến này sẽ diễn ra với tốc độ nào. Và chờ đợi các hành động quyết liệt liên quan đến gỡ tắc nguồn cung bất động sản, tín dụng bất động sản và sức cầu – sẽ là tín hiệu cần theo dõi.
Thông tin đáng chú ý, về tăng trưởng tín dụng chung, tính đến cuối tháng 10, tăng 7,4% so với đầu năm, tương đương 9,9% nếu so cùng kỳ.
Đáng chú ý, dòng tín dụng vào bất động sản tính đến 9 tháng năm 2023 là 6,1% so với cuối năm 2022, trong đó dòng vốn dành cho nhà phát triển bất động sản có hạn mức tín dụng tăng 21% so với đầu năm, trong khi cho người mua nhà ghi nhận giảm 1,1% (nhóm này chiếm 64% tổng dư nợ).
Về con số tuyệt đối, ứớc tính sơ bộ của SSI Research, hạn mức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tăng 156.000 tỷ đồng; dư nợ cho các nhà phát triển bất động sản là 185.000 tỷ đồng dư nợ mới, tương đương 21% dư nợ mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản cũng tăng từ 1,7% tính đến ngày 22/12/2022 lên 2,9% tính đến 23/9/2023.
Các đề xuất hỗ trợ sắp tới, các chủ đầu tư đều mong muốn có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch (liên quan đến sửa đổi nghị định 44); đơn giản hoá các thủ tục cho vay, nởi lỏng hơn các tiêu chí cho vay (mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo được phép, nới trần tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu trong việc phát triển dự án).
Các NHTM vẫn đang còn thận trọng trong việc cho vay bất động sản do e ngại chất lượng tài sản. Các NHTM cũng có những đề xuất đi theo hướng yêu cầu các chủ đầu tư minh bạch hơn, đề xuất các biện pháp hỗ trợ về phía cầu (thay đổi gói lãi suất cho NOXH).
Về mặt pháp lý, có thể chờ đợi các thay đổi là sửa đổi nghị định 44/2014 về định giá đất và thông tư 02, 03, 06/2023 về hoạt động cho vay.
Liên quan đến bức tranh kinh doanh quý 3, ngân hàng – nhóm chiếm vốn hoá lớn nhất 30% toàn sàn – đang ghi nhận lợi nhuận trước thuế của các NHTM tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ, giảm 3,8% so với quý trước.
Theo SSI Research, trong bức tranh tăng trưởng tín dụng yếu, các NHTM cổ phần có phần nối trội hơn với mức tăng 9,2% so với đầu năm; các ngân hàng quốc doanh là 7,2%. Động lực chính cho mức tăng trưởng này vẫn đến từ ngành bất động sản.
Diễn biến thị trường tuần qua VN-Index có biến động khá mạnh, với cú đảo chiều đột ngột của VN-Index trong phiên giao dịch cuối tuần khiến nhà đầu tư rơi vào thế bị động. Phiên giảm 24 điểm trong phiên 17/11 "thổi bay" mọi nỗ lực tăng điểm của chỉ số trong cả tuần, VN-Index lùi sâu về ngưỡng 1.101 điểm. Điều đáng nói là thanh khoản thị trường cũng tăng đột biến trong phiên cuối tuần với giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 22.800 tỷ đồng - mức cao nhất trong gần 2 tháng qua.
Những phản ứng trong tuần này với tín hiệu thanh khoản, phản ứng của các nhóm cổ phiếu chủ chốt như bất động sản, chứng khoán, thép sẽ mang tính quyết định xác nhận xu hướng tiếp theo của VN-Index.
Các vị thế ngắn hạn cần chậm lại trong các phiên tới trong bối cảnh chưa rõ ràng về xu hướng và thiên nhiều hơn về việc quản trị rủi ro trong ngắn hạn. Bởi thị trường sau đợt điều chỉnh giảm sâu vẫn đang trong thời gian tìm điểm cân bằng cho quá trình tích luỹ.
Nhiều kì vọng, nền tích luỹ sẽ hình thành trên 1.100 đỉểm và sẽ được giữ vững trong tuần này.