Thời sự
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế nên nghiêng về chính sách nào?
Nguyễn Lê - 05/12/2021 15:40
Quan điểm nhiều chiều về dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Toạ đàm phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế.

Tiếp tục Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, chiều 5/12 đã diễn ra phiên chuyên đề 1 về phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế.

Dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ cho phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới là vấn đề  được PGS. TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) mở đầu chuyên đề này.

Ông Cường khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cả tổng cung và tổng cầu bị suy giảm thì việc có một gói hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, chính sách tài khoá mặc dù còn dư địa, nhưng không quá lớn, vì thế, gói hỗ trợ nên ở mức độ vừa phải, chỉ nên đâu đó ở khoảng 3,8 đến 4% GDP trong hai năm.

Ông Cường khuyến nghị, nguyên nhân chính của sụt giảm kinh tế là lý do về y tế, nên cần cụ thể hoá các chính sách về y tế và các chính sách ngoài tiền tệ và tài khoá để giảm đi tính bất định, để doanh nghiệp thêm chắc chắn khi quyết định đầu tư kinh doanh.

Tại tham luận công bố tại diễn đàn, ông Cường ước tính, để đối phó với dịch bệnh Covid-19, trong trung hạn, Việt Nam sẽ cần chi thêm mỗi năm cho y tế từ 0,8-1 % GDP (chi mua vaccine, chi y tế dự phòng, xây dựng các trung tâm phòng ngừa dịch bệnh vùng, chi cho khám chữa bệnh...).

Theo ông Cường, đây cũng là thách thức lớn khi cân đối ngân sách với các khoản chi khác. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của chi tiêu y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh với tình trạng yêu cầu xét nghiệm lớn như hiện nay.

Tham gia toạ đàm sau đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, hai năm qua, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ cho nền kinh tế rất lớn, đã cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, đã miễn giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới. Dư nợ mới cũng điều hành linh hoạt, cuối tháng 11 dư nợ tín dựng tăng hơn 10% và có thể nới thêm chỉ tiêu trong tháng cuối cùng của năm.

Lãi suất điều hành và lãi suất cho vay đều giảm so với đầu năm 2020, ông Hà nhấn mạnh.

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cũng nêu một số thách thức của hệ thống ngân hảng thời gian tới, như nguy cơ lạm phát, mặt bằng lãi suất phải cân đối trong tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hà, thách thức nhiều, nhưng cơ hội là có, cơ hội tăng vốn cho doanh là lớn, các ngân hàng thương mại nhà nước có thể tăng vốn, mà nếu tăng được 1 đồng vốn cho khối ngân hàng này thì tăng được 8 đồng cho dư nợ nền kinh tế.

Tựu trung lại, Ngân hàng Nhà nước đã đồng hành với nền kinh tế và sẽ tiếp tục duy trì thanh khoản cho nền kinh tế và ổn định lãi suất thời gian tới, ông Hà nói.

Điều hành toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp là ngân hàng tiếp tục linh hoạt các công cụ để giảm lãi suất cho vay thêm chút nữa.

Tham gia toạ đàm, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận nợ xấu tăng lên là rủi ro đang rình rập hệ thống ngân hàng.

Liên quan đến kiến nghị của Nhóm nghiên cứu là tiếp tục giảm lãi suất 0,5% - 1% , ông Phước cho rằng, để thực hiện được, Ngân hàng Nhà nước nên giảm lãi suất điều hành bằng bộ chỉ tiêu và tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại.

Về mặt chính sách, ông Phước cho rằng, Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. Lạm phát trong khoảng 3-5 năm (dù có năm cao năm thấp), nhưng bình quân dưới mức 4% là được.

Cũng bàn về chính sách tài khoá, ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định Việt Nam đã điều chỉnh linh hoạt cả thu và chi để có nguồn hỗ trợ cho dân và doanh nghiệp. Ước tính đã miễn giảm giãn 130.000 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2020 (trong đó giãn xấp xỉ 100.000 tỷ đồng) và năm 2021 con số này là 140.000 tỷ đồng.

Chưa bao giờ hỗ trợ cả về tiền và phạm vi đối tượng lớn như vậy, vì thế, quá trình thực hiện còn có điểm chưa được ổn thoả, sau đó đã được điều chỉnh, ông Hưng nói.

Về điều hành, ông Hưng nhấn mạnh Việt Nam đã chấp nhận bội chi năm 2021 là 4% GDP tính lại (trên 5% GDP theo cách tính cũ) đã tăng số vay nợ tuyệt đối lên rất nhiều so với giai đoạn trước.

Về chính sách trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, tuỳ tình hình từng giai đoạn để có ứng phó phù hợp, khi kiểm soát được dịch bệnh thì tập trung tháo gỡ khó khăn cho phục sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thanh khoản và các chi phí đầu vào khác. Chúng ta chỉ có thể bàn về phục hồi và phát triển khi khống chế được dịch bệnh, ông Hưng nêu quan điểm.

Tiếp theo mạch phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ, TS Võ Trí Thành cho rằng, phối hợp là nguyên tắc cũng là nghệ thuật và càng khó trong bối cảnh cần có chính sách đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt.

Nguyên tắc bắn bao nhiêu con thỏ cần có bằng đó mũi tên, nhưng chúng ta rất "tham", đặt rất nhiều mục tiêu từ hỗ trợ doanh nghiệp, y tế, an sinh xã hội... thì càng cần nhiều sự phối hợp, ông Thành nói.

Khái quát lại các ý kiến tại diễn đàn, ông Thành cho rằng, dư địa chính sách tài khoá lớn hơn nhiều, chính sách tiền tệ có nhiều hạn chế hơn, nên chính sách điều chỉnh tập trung hơn vào  tài khoá.

Chuyên gia Võ Trí Thành cũng nhắc đến độ trễ trong của chính sách tài khoá dài hơn, nên sự đồng hành của Quốc hội  và Chính phủ rất quan trọng. Và các cuộc họp bất thường của Quốc hội cần có ít nhất 5 năm tới chứ không phải chỉ của năm nay.

Đáng tiếc là chương trình phục hồi phát triển kinh tế đã bàn cách đây hơn một năm, chuẩn bị  bị ba tháng rồi, nhưng vẫn chậm, ông Thành bình luận.

Tin liên quan
Tin khác