Yêu cầu thương hiệu Nhật Bản, xuất xứ Thái Lan
Tại Quyết định số 38/QĐ-KVII của Kiểm toán Nhà nước Khu vực II do Kiểm toán trưởng Nguyễn Hồng Thái ký (ban hành ngày 20/5/2016) phê duyệt Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh Gói thầu số 9. Gói thầu sử dụng nguồn kinh phí 5% của Kiểm toán Nhà nước, hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh, phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Giá gói thầu hơn 2,104 tỷ đồng.
Theo yêu cầu của chủ đầu tư, các nhà cung cấp chào hàng cạnh tranh bao gồm 2 thang máy loại 750 kg thương hiệu Mitsubishi, nhập khẩu từ Thái Lan. Mục này cũng nêu yêu cầu bắt buộc hàng hóa mới 100%, có xác nhận của đơn vị kiểm định chất lượng. Đặc biệt, theo yêu cầu, đơn vị kiểm định do nhà thầu thuê để chủ đầu tư yêu cầu giám định chất lượng hàng hóa.
. |
Tại Mục 1, Bảng số 4 về yêu cầu kỹ thuật hồ sơ quy định rất cụ thể các thông số kỹ thuật. Cụ thể, loại thang máy chủ đầu tư yêu cầu là loại thang tải khách có phòng máy do Hãng Mitsubishi sản xuất. Hơn thế, hồ sơ còn yêu cầu thang máy thương hiệu Nhật Bản, nhưng lại phải có xuất xứ Thái Lai và mang mã hiệu cụ thể Nexiez MR. Ngoài ra, gói này yêu cầu loại thang máy có năm sản xuất 2016 trở về sau, 5 điểm dừng, tốc độ 60 m/phút. Hệ thống động lực có động cơ kéo Hãng Mitsubishi, không hộp số (Gearless) sử dụng từ trường nam châm vĩnh cửu.
Biểu hiện rất rõ vi phạm pháp luật đấu thầu
Một nhà thầu tham gia mua hồ sơ cho phóng viên Báo Đầu tư biết, ông thất vọng khi thêm một lần nữa, sự phân biệt đối xử lại xảy ra, dù thời gian qua công luận đã lên tiếng rất nhiều.
Nhà thầu này khẳng định, hồ sơ yêu cầu gói đòi hỏi đặc tính kỹ thuật “không có gì là ghê gớm” so với khả năng đáp ứng bởi các nhà thầu trong nước với sản phẩm nội địa. Cũng cần phải nhắc lại, ngày 14/11/2014, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 10326/QĐ-BCT về bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất, với mặt hàng thang máy tải khách được sản xuất trong nước loại tải trọng 1.600 kg (nằm trong dãy tải trọng 320 kg - 2.000 kg), chở 21 người, tốc độ 60 m/phút, 6 điểm dừng.
“Với yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn cả hàng Việt. Vậy tại sao bên mời thầu lại không cho hàng Việt một cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng. Chỉ có thể giải thích là, bên mời thầu sính hàng ngoại, hoặc họ đang hướng cuộc chơi tới một nhà thầu “sân sau” cung cấp loại thang máy như hồ sơ yêu cầu”, nhà thầu (yêu cầu không nêu tên) nói và cho biết thêm: “Thang máy cùng loại sản xuất trong nước rẻ hơn 50%, nếu dùng hàng ngoại nhập sẽ tốn thêm khoảng 1 tỷ đồng ngân sách. Ngoài ra, với vòng đời sử dụng của thang máy khoảng 20 năm chi phí bảo dưỡng, bảo trì cũng rất đáng kể”.
Nghi vấn vi phạm pháp luật đấu thầu mà nhà thầu phản ánh không phải không có cơ sở. Bởi hành vi đưa ra điều kiện nhằm hạn chế sự tham ra rộng rãi của các nhà thầu, phân biệt đối xử, không bình đẳng là những hành vi bị cấm trong đấu thầu. Khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về lập hồ sơ mời thầu: “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa…” Ngoài ra, khoản 2, Điều 4, Thông tư 11/2015/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 27/10/2015 quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh cũng nêu rõ: “Khi đưa ra yêu cầu đối với hàng hóa cần quy định đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo, công nghệ mang tính chất trung tính, không đưa ra các đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn mang tính cá biệt hóa mà không phải là đặc tính cơ bản của sản phẩm để chỉ một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Theo một chuyên gia của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Gói thầu số 9 đưa tiêu chí thang máy như trên là “cản trở sự tham gia của các nhà thầu” - biểu hiện rất rõ vi phạm pháp luật đấu thầu.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 228/TTg-KTN yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt Chỉ thị 494/CT-TTg để chấn chỉnh việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Trong văn bản này Thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung nội dung “trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể xuất xứ, hàng hóa cũng như không được đưa yêu cầu hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc… để đảm bảo thúc đẩy sản xuất hàng nội địa”.
Cũng cần nói thêm rằng, hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh trạnh gói thầu này đã được Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng và Thương mại Tân Hưng Phúc thẩm định trước khi phát hành.
Để làm rõ những nghi vấn trên đây và ghi nhận quan điểm phía chủ đầu tư, phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần liên lạc với Chánh văn phòng Kiểm toán Nhà nước Khu vực II và ông Bùi Văn Sơn, Phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực II, nhưng rất tiếc, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.