Nhắc lại những nghi vấn
Như Báo Đầu tư đã thông tin, mấu chốt trong bất đồng xuất phát từ việc “1 đề bài có 2 cách hiểu”, dẫn tới các cách diễn giải hồ sơ mời thầu khác nhau. Trong khi liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 3/2 - Công ty cổ phần Xây dựng Bình Dương (liên danh CIC) cho rằng, họ đã đáp ứng năng lực, nhưng bên mời thầu lại không nghĩ như vậy.
Cụ thể, hồ sơ mời thầu quy định về kinh nghiệm trong quản lý hợp đồng xây lắp: (i) số lượng hợp đồng là 3, mỗi hợp đồng có trị giá tối thiểu 36,46 tỷ đồng; hoặc (ii) số lượng hợp đồng ít hơn hoặc bằng 3, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu 36,46 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng lớn hơn hoặc bằng 109,38 tỷ đồng. Để chứng minh năng lực, liên danh CIC đề xuất các hợp đồng tương tự theo quy định tại điểm (ii). Theo đó, các hợp đồng của từng thành viên trong liên danh có giá trị thực hiện tương đường tỷ lệ phân chia công việc tại Liên danh và tổng giá trị đáp ứng yêu cầu tại điểm (ii) của hồ sơ mời thầu.
Chính quyền TP. Thủ Dầu Một đang phớt lờ kiến nghị của nhà thầu về gói thầu xây dựng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. |
Với đề xuất như vậy, bên mời thầu cho rằng, thành viên đứng đầu liên danh còn thiếu 1 hợp đồng, thành viên liên danh thiếu 2 hợp đồng theo yêu cầu. Theo lý giải của bên mời thầu, điểm (ii) phải được hiểu theo nghĩa: “Nếu nhà thầu có ít hơn 3 hợp đồng, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu 36,46 tỷ đồng và có nhiều hợp đồng khác có giá trị ít hơn 36,46 tỷ đồng, thì việc đánh giá trong trường hợp này là nhà thầu phải có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu 36,46 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải có thêm ít nhất 2 hợp đồng khác có quy mô là công trình giáo dục cấp II và tổng của tất cả các hợp đồng này sẽ phải lớn hơn hoặc bằng 109,38 tỷ đồng”.
Liên danh CIC cho rằng, lập luận của bên mời thầu không đủ thuyết phục, lý giải lòng vòng. Nhà thầu sẽ vượt qua vòng kỹ thuật nếu đáp ứng hoặc điểm (i) hoặc điểm (ii), nhưng tư vấn mời thầu cố tình hiểu theo cách, điểm (ii) là bổ nghĩa cho điểm (i).
Sự chậm trễ lạ thường
Sau 5 ngày kể từ khi thông báo danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật, ngày 29/3/2017, Liên danh CIC gửi đơn kiến nghị tới Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một. Theo một đại diện của CIC, cho tới nay, ngoài cuộc làm việc với chủ đầu tư, tư vần đấu thầu Minh Hà (ngày 3/4/2017), thì sự việc không có tiến triển gì thêm và liên danh nhà thầu chưa nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào. Cần lưu ý rằng, biên bản làm việc cuộc họp 3 bên (chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn đấu thầu) nêu trên đã ghi nhận quan điểm các bên tồn tại sự khác biệt rất lớn.
Điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 92, Luật Đấu thầu số 43/2014/QH13 quy định: “Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu”. Theo những quy định trên, có thể khẳng định, với tư cách chủ đầu tư, UBND TP. Thủ Dầu Một đã vi phạm pháp Luật Đấu thầu về thời hạn giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu, bởi tính từ thời điểm liên danh nhà thầu CIC phát hành văn bản kiến nghị tới nay, đã hơn 50 ngày.
Sự chậm trễ lạ thường này khiến các nhà thầu quan tâm đến câu chuyện đấu thầu xây dựng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai dấy lên nhiều đồn đoán.
Một là, nếu nội dung Liên danh CIC khiếu nại là đúng, thì chính quyền TP. Thủ Dầu Một (chủ đầu tư) và tư vấn đấu thầu Minh Hà không muốn sửa sai và đang “hoãn binh” để dàn xếp ổn thỏa.
Hai là, nếu quan điểm tư vấn đấu thầu là đúng, thì tại sao chủ đầu tư lại chần chừ kết luận nội dung khiếu nại nhằm tạo cơ sở ra quyết định trúng thầu cho nhà thầu đạt yêu cầu (!?). Và nếu thực tế đồn đoán thứ 2 có căn cứ, thì tại sao TP. Thủ Dầu Một không mạnh tay “xử” liên danh nhà thầu khiếu nại không có cơ sở, gây ảnh hưởng tới tiến trình lựa chọn nhà thầu và tiến độ Dự án.
Theo chuyên gia đấu thầu Phạm Đại Hải (Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam), trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Liên danh CIC có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn là Sở Kế hoạch và Đầu tư và sau đó UBND tỉnh Bình Dương, mà không bị cho là khiếu nại vượt cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trong buổi làm việc ngày 10/5/2017, ông Phan Công Khanh, Chánh văn phòng UBND TP. Thủ Dầu Một cho biết, khi nhận được kiến nghị của Liên danh CIC, lãnh đạo UBND TP. Thủ Dầu Một đã chỉ đạo Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng, tư vấn đấu thầu và các phòng, ban chức năng nghiên cứu tham mưu. Hiện lãnh đạo Thành phố chưa nhận được báo cáo và nội dung tham mưu của các đơn vị này.
Ông Khanh khẳng định, quan điểm của lãnh đạo Thành phố là chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc một cách công bằng, khách quan và tuân thủ các quy định của pháp luật. Ông Khanh còn cho biết thêm, UBND TP. Thủ Dầu Một sẽ có văn bản trả lời Báo Đầu tư trước ngày 12/5/2017. Dù vậy, cho tới giờ chót chuyển bài báo này tới nhà in, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào, bất chấp nhiều nỗ lực liên lạc.
Điều đáng lưu tâm nữa là, thời gian đánh giá hồ dự thầu đã vượt quá thời gian theo luật định; thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cũng cạn dần (theo biên bản mở thầu, thời gian này là 150 ngày kể từ ngày 11/1/2017, tới nay còn chưa đầy 20 ngày). Với quỹ thời gian hạn hẹn còn lại dành cho các khâu như công bố kết quả trúng thầu, hiệu chỉnh sai lệch, thương thảo ký kết hợp đồng… trong khi việc khiếu nại đang “rối như canh hẹ”, dự báo, câu chuyện lựa chọn nhà thầu khó về đích một cách chu toàn. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, việc chấm thầu sẽ trở nên vô nghĩa vì hồ sơ dự thầu hết hiệu lực và việc lựa chọn nhà thầu sau thời hạn luật định sẽ kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý khiến sự việc càng trở nên phức tạp.
Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin diễn biến câu chuyện này trong các số báo tiếp theo.