Sức khỏe doanh nghiệp
“Gồng lãi” mỏi tay, cổ đông Chứng khoán APEC nhất trí tăng vốn lên 3.200 tỷ đồng
Kỳ Thành - 16/11/2021 20:06
Với sự hưng phấn của cổ đông trước diễn biến tăng phi mã cổ phiếu APS, kỳ họp ĐHĐCĐ của Chứng khoán APEC thông qua các tờ trình một cách nhanh chóng.

Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2021 của CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã APS - HNX) diễn ra chiều nay (16/11) với nhiều diễn biến thú vị, khi phần hỏi - đáp đầy hưng phấn diễn ra trong hơn 2 giờ đồng hồ với nhiều chia sẻ tâm huyết của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và các tờ trình đều được ĐHĐCĐ thông qua một cách nhanh chóng sau đó.

Nguyên nhân của điều này có thể lý giải bởi trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu APS đã tăng phi mã gấp hàng chục lần từ mức 2.700 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 16/11/2020) lên 49.800 đồng/CP (giá đóng cửa phiên hôm nay 16/11), thanh khoản theo đó cũng tăng mạnh với khối lượng khớp lệnh mỗi phiên hàng triệu cổ phiếu.

Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 của Chứng khoán APEC

Chia sẻ tại đại hội, một nhà đầu tư cá nhân cho biết, anh đã “ôm” cổ phiếu APS từ mức giá 4.000 đồng/cổ phiếu và vẫn đang “gồng lãi mỏi tay”.

Một cổ đông lớn tuổi có mặt tại đại hội cũng cũng cho biết đã giữ cổ phiếu APS từ hơn 10 năm trước và ví cổ phiếu APS “như nàng Kiều, ba chìm bảy nổi”. “Tôi giữ hơn một chục nghìn cổ phiếu APS, đau tim lắm. Đến hôm nay, thành quả của nàng Kiều đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư”, vị cổ đông này chia sẻ.

Cho biết khi thị giá cổ phiếu APS đã lãi lớn, “vợ con tôi khuyên nên bán đi”, nhưng vì nhiều trục trặc kỹ thuật mà không bán được, ông quyết định không bán nữa khi APS đạt mốc 32.000 đồng/cổ phiếu. “Thế mà từ hôm đó tới giờ nó lên, phải gọi là siêu cổ phiếu. Tôi là cổ đông tương đối già ở đây, xin cảm ơn ban lãnh đạo và cổ đông có mặt ở đây”, ông nói.

Vị cổ đông lớn tuổi cho biết đang nắm hơn 10.000 cổ phiếu APS

Nêu một số điểm nhấn quan trọng trong hoạt động từ đầu năm 2021 đến nay, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APEC cho biết công ty đã bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, tăng vốn điều lệ lên 780 tỷ đồng trong tháng 9 và tiếp tục tăng vốn lên 830 tỷ đồng trong tháng 11.

9 tháng đầu năm 2021, doanh thu công ty đạt 205,25 tỷ đồng, gấp 1,45 lần kế hoạch cả năm. Trong đó, doanh thu hoạt động tự doanh chứng khoán 9 tháng đạt 146,8 tỷ đồng, bằng 2,75 lần tổng doanh thu tự doanh năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 134,73 tỷ đồng, gấp 2,37 lần kế hoạch cả năm.

Lũy kế đến hết tháng 10, doanh thu của công ty đạt 475 tỷ đồng, lãi trước thuế 433 tỷ đồng. “Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm, chứng khoán APEC quay lại nghiệp vụ tự doanh”, ông Hưng lý giải nguyên nhân giúp kết quả kinh doanh của công ty bứt phá trong 10 tháng năm 2021.

Trên cơ sở đó, Chứng khoán APEC điều chỉnh kế hoạch năm 2021 với doanh thu dự kiến 550 tỷ đồng, lãi trước thuế 500 tỷ đồng. Nếu hoành thành mục tiêu này, EPS dự kiến năm 2021 của Chứng khoán APEC đạt 7.714 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E = 7. Đồng thời, thông qua bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh do đã đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, các cổ đông của công ty cũng thông qua các phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng trong năm 2022.

Cụ thể, Chứng khoán APEC dự kiến phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền 1:1 để tăng vốn điều lệ lên 1.660 tỷ đồng với giá chào bán dự kiến không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động được dự kiến sẽ dùng để bổ sung vốn cho vay margin và hoạt động tự doanh, bổ sung vốn lưu động.

Tiếp đó, chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng vốn điều lệ từ 1.660 tỷ đồng lên 2.990 tỷ đồng. Ông Hưng lý giải, với lợi nhuận dự kiến năm 2021 là 500 tỷ đồng và nguồn thặng dư sau khi phát hành cho cổ đông hiện hữu tổng cộng dự kiến đạt từ 915 - 1.330 tỷ đồng, HĐQT đặt mục tiêu chia thưởng cổ phiếu từ 70-90%.

Cuối cùng, công ty sẽ phát hành 21 triệu cổ phiếu riêng kẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá dự kiến không thấp hơn 45.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.

Nếu kế hoạch phát hành của Chứng khoán APEC thành công, vốn điều lệ của công ty dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng trong năm tới, vào Top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ và vốn hóa lớn nhất Việt Nam.

Chia sẻ cơ sở để hoàn thành các mục tiêu trên, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc Chứng khoán APEC cho biết, tầm nhìn của Chứng khoán APEC trở thành định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, chuyển đổi từ công ty chứng khoán truyền thống trở thành công ty chứng khoán số. Theo đó, khi core giao dịch chứng khoán mới đi vào hoạt động từ đầu năm tới, số lượng tài khoản công ty quản lý sẽ tăng gấp nhiều lần so với tổng số tài khoản chứng khoán mà công ty đang quản lý hiện nay là 41.785 tài khoản. “Mục tiêu của chúng tôi chiếm 20% thị phần, tương đương khoảng 1 triệu tài khoản”, ông Lăng nói.

Theo ông Lăng, đại dịch Covid-19 là điều không may, nhưng nhờ đó dòng tiền chuyển sang thị trường chứng khoán, giúp công ty được hưởng lợi lớn. “Chúng ta đang có thiên thời, nhưng thiên thời chỉ đến với các công ty được chuẩn bị tốt”, ông khẳng định.

Về yếu tố “địa lợi”, ông Lăng cho biết, bản thân ông và một số lãnh đạo của Chứng khoán APEC đã trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1998, 2008 và 2011, nên đã chuẩn bị tốt cho khủng hoảng. “APS gần như không có vay nợ nhưng đạt được hiệu quả cao. Năm nay chúng ta là cổ phiếu có EPS cao nhất trong các công ty chứng khoán tại Việt Nam”, ông Lăng nói.

Về yếu tố “nhân hòa”, ông Lăng cho biết, trong 10 năm qua, công ty đã tập trung vào con người. “Chúng ta hưởng thành quả do đội ngũ APEC đã sáng tạo suốt 7-8 năm qua. Chúng ta đã trở lại và lợi hại hơn xưa”.

Sau những chia sẻ của HĐQT, các cổ đông tham dự đại hội đã thông qua nội dung của tất cả các tờ trình với tỷ lệ nhất trí cao.

Tin liên quan
Tin khác