Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi vừa thông tin về Dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa.
Về diện tích đất trồng lúa thuộc Dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013, Dự án Khu đô thị sinh thái và du lịch Coastal Quảng Ngãi, dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa khoảng 16,9 ha, do đó phải có ý kiến thống nhất của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa để xây dựng dự án.
Nhà đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước, phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; đồng thời, nhà đầu tư phải phối hợp với địa phương xây dựng Phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang mục đích phi nông nghiệp trong dự án.
Trong phạm vi đề xuất dự án có Đê kè Hòa Hà và các tuyến kênh nội đồng do địa phương quản lý. Vì vậy, trong bước tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị nhà đầu tư phối hợp với UBND huyện Tư Nghĩa kiểm tra, rà soát hiện trạng tưới, tiêu trong phạm vi dự án để đề xuất các giải pháp phù hợp.
Cụ thể, đối với các tuyến kênh nội đồng, cần điều tra, đánh giá hiện trạng và nhiệm vụ cấp nước, tiêu nước,… của các công trình; đề xuất phương án, giải pháp kỹ thuật cho từng công trình trong phạm vi dự án như giữ nguyên hiện trạng công trình, di dời, hoàn trả công trình mới, bồi thường và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 21/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án cho thuê quyền khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Đối với Đê kè Hòa Hà, cần chuẩn xác phạm vi xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đảm bảo phạm vi bảo vệ Đê kè Hòa Hà theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Quy định về tổ chức quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ban hành kèm theo Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 của UBND tỉnh; Trường hợp Nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng Đê và hành lang bảo vệ Đê kè Hòa Hà để kết hợp làm giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật,… thì trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận theo quy định tại Điều 28, 29 Luật Đê điều.
Sau khi UBND tỉnh chấp thuận, hồ sơ thiết kế cơ sở các hạng mục liên quan đến Đê kè Hòa Hà phải có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi thẩm định, phê duyệt. Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đê phải được cấp phép theo quy định tại Điều 25 của Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 và Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 10/01/2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Đối với tiêu thoát nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng cần đánh giá kỹ hiện trạng ngập úng trong khu vực; tính toán thủy văn, thủy lực để lựa chọn giải pháp công trình tiêu thoát, kết nối đồng bộ tiêu thoát nước của dự án với các khu vực lận cận; bảo đảm không làm không làm tăng mức độ ngập úng, lũ lụt, xâm nhập mặn cho các khu vực lân cận, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.