Vì sao GP.Invest muốn thực hiện Dự án?
Khu tập thể Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, trải qua thời gian sử dụng đã cũ kỹ, xập xệ, ban công treo đầy lồng sắt và trên nóc nhà lổn nhổn những bình chứa nước Inox.
Sau hơn 30 năm sử dụng, Khu tập thể Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đã xuống cấp. |
Đầu năm 2018, GP.Invest đã gửi văn bản tới UBND TP. Hà Nội xin được làm chủ đầu tư thực hiện Dự án cải tạo nhà A,B Khu tập thể Nghĩa Đô.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho biết: “Nếu được giao làm chủ đầu tư Dự án cải tạo, xây dựng Khu tập thể Nghĩa Đô, chúng tôi tự tin sẽ xây dựng một khu hiện đại, khang trang, đồng bộ như Tràng An Complex (dự án do GP.Invest làm chủ đầu tư)”.
Nguyên nhân đầu tiên khiến GP.Invest quyết định “dấn thân” xin cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Đô là vì khu tập thể này là “hàng xóm” của Tràng An Complex. Tràng An Complex xây dựng, đưa vào sử dụng chỉ trong vòng 2 năm và hiện có khoảng 850 căn hộ cùng 1 tòa nhà văn phòng, các siêu thị, cửa hàng và sắp tới là trường học cùng sử dụng lối vào chính từ đường Hoàng Quốc Việt đi vào đường Phùng Chí Kiên.
Trên địa bàn TP. Hà Nội có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu vực tập trung và hơn 300 khu chung cư cũ ở các nơi riêng lẻ. Các chung cư này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đang trong tình trạng xuống cấp.
Việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư đã được đặt ra từ lâu. Nhưng trong 10 năm nay, TP. Hà Nội chỉ cải tạo được 14 chung cư cũ.
Với lưu lượng sử dụng lớn từ đầu năm 2017, khi Tràng An Complex đi vào hoạt động, đã dẫn đến việc ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Vì vậy, nếu được giao làm chủ đầu tư Dự án cải tạo, xây dựng Khu tập thể Nghĩa Đô, GP.Invest sẽ lên phương án mở rộng đường Phùng Chí Kiên nối vào Tràng An Complex và thậm chí sẽ lên phương án xây hầm vượt nếu cần thiết.
Lý do thứ 2 khiến GP.Invest muốn thực hiện dự án là muốn mở rộng Tràng An Complex, “kết nạp”, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Đô thành một quần thể kiến trúc mới, hiện đại, trở thành điểm nhấn cho khu vực cửa ngõ phía Tây Thủ đô Hà Nội.
“Nếu đề xuất được chấp thuận, chúng tôi sẽ thuê đơn vị kiến trúc danh tiếng nước ngoài thiết kế để sao cho cả Khu tập thể Nghĩa Đô và Tràng An Complex có cùng chung ngôn ngữ kiến trúc, đồng bộ và trở thành điểm nhấn về quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội”, ông Hiệp cho biết.
Và lý do cuối cùng, chính là việc nhiều cư dân của Khu tập thể Nghĩa Đô đã gặp gỡ, bày tỏ mong muốn GP.Invest sẽ đầu tư cải tạo lại Khu tập thể Nghĩa Đô thành một “Tràng An Complex thứ 2”.
Mong muốn Thành phố vào cuộc
Dù kết quả khảo sát do GP.Invest thực hiện ghi nhận 3/4 trong tổng số 246 hộ thuộc nhà A, B, Khu tập thể Nghĩa Đô ủng hộ Dự án, nhưng ông Hiệp vẫn nhận định nếu thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội nói chung và Khu tập thể Nghĩa Đô nói riêng đang gặp tầng tầng, lớp lớp cản trở. Mỗi dự án có một đặc thù riêng và không thể áp dụng các tiền lệ hoặc kinh nghiệm của các khu khác.
Vấn đề đầu tiên của Khu tập thể Nghĩa Đô là sự đồng thuận của người dân. Nếu như chỉ một vài hộ dân không đồng ý di dời, dự án sẽ không thực hiện được. Khu tập thể Nghĩa Đô có một dãy hàng quán, ki-ốt tầng 1 phía mặt đường Hoàng Quốc Việt, được người dân cho thuê, nên để thuyết phục họ chấp nhận đền bù, bàn giao mặt bằng là tương đối khó khăn.
“Chúng tôi đã tính đến phương án xây dựng Shophouse quy đổi, giao lại cho những hộ dân đó. Một vấn đề phức tạp khác là hệ số quy đổi diện tích căn hộ cũng phải được đồng thuận, hài hòa lợi ích chủ đầu tư và người dân, nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố hạ tầng, quy hoạch”, ông Hiệp cho biết.
Vấn đề thứ 2 là bài toán đầu tư, chi phí, hệ số quy đổi. Với hơn 5.000 m2, ngoài thực hiện xây dựng 246 căn hộ tái định cư tại chỗ, nếu chiều cao, số lượng căn hộ ít, chủ đầu tư sẽ không đảm bảo bài toán đầu tư.
Yếu tố cực kỳ quan trọng là phải có văn bản pháp luật và sự vào cuộc sát sao của UBND TP. Hà Nội. Mỗi một dự án liên quan tới rất nhiều hộ dân, lại mang tính chất đặc thù, nên cần có một nghị quyết của HĐND Thành phố để thực hiện dự án đó.
“Cải tạo chung cư cũ mà không có sự vào cuộc của chính quyền với các quy định cụ thể, chặt chẽ, hiệu lực cao thì không thể nào thực hiện được”, ông Hiệp khẳng định.
Được biết, ngoài việc đề xuất làm chủ đầu tư thực hiện Dự án cải tạo nhà A,B, Khu tập thể Nghĩa Đô, hiện GP.Invest đang được UBND TP. Hà Nội chỉ định tham gia cải tạo khu tập thể cũ Văn Chương. GP.Invest là một trong 18 doanh nghiệp được UBND TP. Hà Nội giao thực hiện cải tạo, quy hoạch lại các khu tập thể cũ tại Hà Nội đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm.